Khoa học

Khoa học kỹ thuật và công nghệ - động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Để đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện, bền vững cần thiết phải giải quyết những thách thức từ sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó khoa học kỹ thuật và công nghệ đóng vai trò cốt lõi.

Các nhà khoa học trình bày công trình nghiên cứu tại hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN

(TTXVN) Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về sản xuất và xuất khẩu nông sản của quốc gia, vùng “có nhiều tiềm năng chưa được đánh thức”. Để đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện, bền vững cần thiết phải giải quyết những thách thức từ sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó khoa học kỹ thuật và công nghệ đóng vai trò cốt lõi. Đó là nhận định chung của các nhà khoa học tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I/2022, do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 25/11.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Bách Khoa (Trường Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào thời đại của sự phát triển nhanh chóng, sâu rộng, mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối internet vạn vật. Đây là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh, công nghệ in 3D để sản xuất sản phẩm một cách hoàn chỉnh bằng phương pháp phi truyền thống.

Công nghệ nano và vật liệu mới sẽ tạo ra các cấu trúc vật liệu mới. Trí tuệ nhân tạo và điều khiển học cho phép con người kiểm soát từ xa, không giới hạn về không gian, thời gian, tương tác nhanh hơn, chính xác hơn. Sự kết hợp của các công nghệ tạo ra khả năng sản xuất hoàn toàn mới, có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trực tiếp lên nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định các vấn đề, giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của đất nước, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long sẽ “tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm...”.

Từ sự bức thiết và quan trọng đó, các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, khi bàn về hiện trạng, thách thức của phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần nhận diện nút thắt khiến vùng chưa thể phát triển xứng tầm như: Số lượng doanh nghiệp ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài thấp (giai đoạn 2010-2019, FDI của vùng chỉ chiếm 5,6% số dự án và 8,4% số vốn đăng ký của cả nước); khả năng về kinh tế dành cho đổi mới sáng tạo không nhiều (giai đoạn 2015 - 2020 toàn vùng chỉ thành lập được 1 sàn giao dịch khoa học công nghệ). Hơn thế nữa, nguồn lao động có tay nghề, trình độ cao còn khiêm tốn; nhân lực đáp ứng yêu cầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp hạn chế; việc đầu tư vào khoa học kỹ thuật và công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng.

Bên cạnh đó, những quy định pháp lý dành cho phát triển khoa học cần hoàn thiện hơn nữa. Đơn cử như quy định kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách nhà nước thì thuộc sở hữu của Nhà nước hay kinh phí thu được từ việc thương mại hóa phải nộp lại cho Nhà nước… là quy định chưa khuyến khích các nhà khoa học chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, đổi mới sáng tạo hiện chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn, chưa tạo động lực cho cá nhân và tập thể đầu tư nghiên cứu…

Tại Hội nghị, với 4 phiên báo cáo, có 43 nghiên cứu của chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên từ các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh đã được trình bày. Trong đó, nhiều nghiên cứu được đánh giá mang tính đột phá, ứng dụng cao về khoa học kỹ thuật và công nghệ như: "Thiết kế thẻ RFID tích hợp cảm biến công suất thấp ứng dụng theo dõi hoạt động cá thể bò sữa" (Trần Minh Nhật và cộng sự, Trường Đại học Sài Gòn); "Mô phỏng điện áp quá độ trong miền thời gian của thanh nối đất bằng phương pháp RBF-FDTD" (Vũ Phan Tú, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh); "Thiết kế bộ điều khiển động cơ servo PMSM cho máy CNC" (Nguyễn Vạn Quốc và cộng sự, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh); "Xây dựng môi trường dựa trên đám mây cho việc giám sát hệ thống năng lượng tòa nhà" (Lê Trần Thái Bình và cộng sự, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh); Ứng dụng phương pháp phần tử rời rạc trong nghiên cứu vật liệu địa kỹ thuật (Hồ Thị Kim Thoa, Trường Đại học Cần Thơ)…/.

Ánh Tuyết

Xem thêm