Đây là tiền đề rất quan trọng để sản phẩm chè Suối Giàng, sản phẩm cam và mật ong Văn Chấn tiếp tục khẳng định vị thế, hình ảnh, giá trị của mình trên thị trường trong nước cũng như thị trường khu vực và thế giới.
(TTXVN) Ngày 26/11, tại xã Suối Giàng, UBND huyện Văn Chấn (Yên Bái) tổ chức lễ đón nhận văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn”, chỉ dẫn địa lý “Cam Văn Chấn” và nhãn hiệu tập thể “Mật ong Văn Chấn”.
Nhãn hiệu cam Văn Chấn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 5345/QĐ-SHTT ngày 4/11/2022; nhãn hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn được cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 5346 Đ-SHTT, ngày 4/11/2022; nhãn hiệu tập thể mật ong Văn Chấn được cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 88330/QĐ-SHTT ngày 17/11/2021.
Theo ông Đặng Duy Hiển, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, việc đón nhận văn bằng Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm "Cam Văn Chấn", “Chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn” và nhãn hiệu tập thể “Mật ong Văn Chấn” nhằm quản lý tốt hơn chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đây là tiền đề rất quan trọng để sản phẩm chè Suối Giàng, sản phẩm cam và mật ong Văn Chấn tiếp tục khẳng định vị thế, hình ảnh, giá trị của mình trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Cũng theo ông Đặng Duy Hiển, việc xây dựng để được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý chè “Suối Giàng”, “Cam Văn Chấn” và nhãn hiệu tập thể “Mật ong Văn Chấn” là cả quá trình tập trung chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn, sự đồng lòng chung sức của người dân.
Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn khẳng định, trong thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các hộ dân trong gìn giữ, sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu tạo lập lòng tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm đã được cấp bằng bảo hộ.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh để Văn Chấn ngày càng có nhiều sản phẩm uy tín với người tiêu dùng, giữ vững và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của huyện.
Xã Suối Giàng có hơn 500 ha chè Shan tuyết kinh doanh, sản lượng hằng năm đạt 600 tấn chè búp tươi; có 400 cây chè di sản, có độ tuổi từ 100 đến 350 tuổi. Cây chè có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh và đem lại hiệu quả cao trong xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch cộng đồng.
Huyện Văn Chấn có hơn 2.000 ha cam, sản lượng đạt 10.000 tấn/năm, đem lại thu nhập gần 200 tỷ đồng; sản lượng mật ong khoảng 100 tấn/năm. Cùng với các sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được cấp trước đó là Nếp Tú Lệ, ba ba gai..., chè Shan tuyết Suối Giàng và cam Văn Chấn vừa được công nhận đã tạo sản phẩm đa dạng của nông dân trong sản xuất nông nghiệp miền núi Văn Chấn./.