Dự án “Máy đo huyết áp - GAC” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất sắc giành giải Nhất của Cuộc thi.
(TTXVN) Chiều 27/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức Lễ bế mạc và trao giải Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2022”.
Kết quả chung cuộc, dự án “Máy đo huyết áp - GAC” của nhóm sinh viên Hoàng Lộc, Thế Duyệt, Cẩm Vân, Xuân Sang và Trần Văn Hiếu thuộc Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh xuất sắc giành giải Nhất.
Dự án “Smartsite: Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh và dự án “Ứng dụng định vị sơ đồ vị trí, có hiển thị bản đồ tương tác (DEFIMAPS)” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông đồng giải Nhì.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải Ba cho các nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại, Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng FPT Polytechnic; trao 30 giải Khuyến khích cho các dự án của các thí sinh trường nghề trên khắp cả nước tham gia và đạt thành tích cao tại hội thi.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp là hoạt động thuộc đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy và khuyến khích phong trào khởi nghiệp ngay từ trong nhà trường. Việc tổ chức cuộc thi còn tạo cho học sinh, sinh viên có sân chơi chung về sáng tạo khởi nghiệp và thành công; kích thích khả năng tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; qua đó làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp, thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước.
Cuộc thi cũng hướng đến thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần liên tục phải đổi mới, nâng cao chất lượng và có biện pháp, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Đây còn là cơ hội, là giải pháp quan trọng để kêu gọi doanh nghiệp gắn kết hơn nữa với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, qua đó thúc đẩy ươm mầm khởi nghiệp sáng tạo ngay trong nhà trường.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cũng đánh giá cao sự năng động, tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi; đồng thời động viên các dự án chưa đoạt giải tiếp tục học tập tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nghiên cứu để cho ra nhiều dự án có khả thi hơn dựa trên nền tảng các kiến thức học được.
“Dự án của các em có thể chưa tạo được giá trị cho cộng đồng nhưng chắc chắn đã mang đến cho các em những giá trị đối với bản thân mình từ những khát vọng, từ sự dám chấp nhận thất bại để vươn tới thành công sau này”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Trải qua 3 vòng thi sơ tuyển, bán kết và chung kết, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.500 ý tưởng, dự án của các học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 206 dự án thuộc 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố lọt vào vòng bán kết; 80 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất toàn quốc vào vòng chung kết.
Riêng tại vòng chung kết, 6 đội thi xuất sắc nhất không chỉ thi lý thuyết, thực hành, triển khai ý tưởng sáng tạo mà còn tham gia phần “gọi vốn” thông qua thuyết trình, thương thuyết với các nhà đầu tư và xử lý tình huống. Nhiều dự án ngay từ khi chưa công bố kết quả đã được các doanh nghiệp quan tâm kết nối, tham gia đầu tư, hoàn thiện ý tưởng dự án.
Với ưu điểm giá thành thấp, thiết kế nhỏ, gọn, tinh tế, đơn giản, dễ sử dụng, lưu lại lịch sử, phân tích đánh giá bệnh, dự án “Máy đo huyết áp - GAC” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ thuyết phục được Ban giám khảo mà còn thuyết phục các doanh nghiệp đã đầu tư ở phần “gọi vốn”.
Em Nguyễn Thị Cẩm Vân, thành viên dự án “Máy đo huyết áp - GAC” cho biết thêm, dự án không đưa chất thải độc hại ra môi trường; không tốn nhiều chi phí do sử dụng nguồn pin điện thoại. Đặc biệt, khi phát hiện huyết áp cao, máy sẽ đưa ra gợi ý đến cơ sở y tế gần nhất hoặc tự động gọi cho người thân khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe…
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua 3 năm tổ chức, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” đã thu hút được 4.330 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Cuộc thi đã trang bị thêm nhiều kiến thức mới, giúp học sinh, sinh viên chủ động và sáng tạo trong khởi nghiệp; tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khả thi để nhân rộng ra toàn ngành; tìm tòi các ý tưởng sản xuất, kinh doanh gắn với lợi ích cộng đồng, gắn với bảo vệ môi trường, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội.
Dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao Giấy chứng nhận cho các đội thi tham gia vòng chung kết Startup Kite 2022; trao bằng khen cho 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên năm 2022./.