Khoa học

Giới thiệu giải pháp công nghệ mới phát triển ngành Thủy sản

Bến Tre

Để khai thác các cơ hội phát triển ngành Thủy sản, nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ, hướng tới mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Các đại biểu tham quan các sản phẩm khoa học, công nghệ. Ảnh: Trung Kiên/ TTXVN

(TTXVN) Sáng 1/12, tại thành phố Cần Thơ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu sản phẩm, công nghệ phục vụ phát triển ngành Thủy sản.

Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2021, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy) với giá trị 8,9 tỷ USD. Dự báo năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc hơn 10 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm trước. Tuy nhiên, ngành Thủy sản cũng chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát tăng cao, sức mua giảm. Bên cạnh đó, hàng thủy sản đang giảm sức cạnh tranh do giá thành phẩm tăng theo chi phí đầu vào, nhất là giá thức ăn nuôi thủy sản.

Sau hơn hai năm diễn ra đại dịch COVID-19, một số xu hướng mới trong tiêu thụ thủy sản của thế giới đã được định hình, tác động tích cực đối với ngành Thủy sản Việt Nam. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng hoạt động gia công, chế biến.

Để khai thác các cơ hội phát triển mới này, nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ, hướng tới mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn đổi mới sáng tạo cũng như là cầu nối giữa doanh nghiệp, địa phương đến các nhà khoa học. Đồng thời, khẳng định và phát huy vai trò của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong các nghiên cứu đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đòi hỏi chuyên môn sâu.

Trên cơ sở đó tạo cơ sở hợp tác, giao lưu, cùng bàn thảo và tìm giải pháp cho những vấn đề nội tại của doanh nghiệp, khó khăn trong nghiên cứu của nhà khoa học; thực hiện mục tiêu đẩy mạnh, tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ trong các chuyển giao nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Các mô hình nuôi tôm theo mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Tại sự kiện, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu một số giải pháp công nghệ mới trong nuôi trồng, bảo quản, chế biển thủy sản; đưa ra giải pháp bảo vệ thương hiệu, bảo vệ chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm, ứng dụng đáng chú ý như: Công nghệ nuôi trồng vi tảo ứng dụng làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản; công nghệ ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm thâm canh; công nghệ tạo thức ăn bổ sung kết hợp phòng bệnh cho thủy sản; ứng dụng vi khuẩn tía quang hợp trong nuôi trồng thủy sản; giải pháp công nghệ tuần hoàn (RAS) và BIOFLOC phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.../.

Nguyễn Trung Kiên

Xem thêm