Sự giao thoa giữa việc nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ phục vụ thực tiễn, đặc biệt ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số giáo dục được nhiều đơn vị quan tâm.
(TTXVN) Ngày 10/12, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến Đầu tư Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội nghị chuyên đề về Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.
Được chủ trì tổ chức bởi Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), hội nghị là dịp để các bên tham gia tìm hiểu, thực hiện kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp công nghệ với các cơ sở đào tạo công nghệ và với các địa phương để cùng triển khai các dự án giáo dục, khoa học công nghệ.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hội nghị mong muốn truyền tải thông tin về hoạt động nghiên cứu tại Đại học cũng như thông tin về sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, qua đó, thấy được sự giao thoa giữa việc nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ phục vụ thực tiễn. Sự chia sẻ cởi mở, hợp tác sẽ giúp cả hai bên doanh nghiệp và đơn vị giáo dục có tiếng nói chung để phát triển công nghệ mới cũng như phát triển những sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ cho quá trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục.
Đại học Quốc gia Hà Nội bao gồm 36 đầu mối với 9 trường đại học, 2 trường trực thuộc, 5 viện nghiên cứu. Đại học có khoảng 4.500 cán bộ, hơn 55.000 người học trong đó có khoảng 9.000 học viên sau đại học, 1.000 sinh viên quốc tế, 6.000 học sinh các trường phổ thông. Đại học không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin mà còn nghiên cứu và làm chủ nhiều sản phẩm, nền tảng công nghệ thông tin về giáo dục.
Trong hợp tác đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội có khả năng đáp ứng đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng cường hợp tác trong tư vấn, chuyển giao công nghệ, mở rộng nhiều hình thức chia sẻ, phát huy thế mạnh của các bên, hợp tác trong nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cũng như ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud (Tập đoàn Công nghệ FPT) khẳng định, trí tuệ nhân tạo chính là công nghệ chiến lược giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng và kiến tạo lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ số.
Trong hợp tác giáo dục, FPT chú trọng mục tiêu nâng cao nhận thức về trí tuệ nhân tạo và sử dụng hiệu quả công nghệ này; nâng cao chất lượng nguồn lực nhân sự; mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác chuyên môn, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm; thậm chí đồng sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm công nghệ được phát triển.
Ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI (FSI) cho biết, với định hướng phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số về dữ liệu lớn toàn diện cũng như kỳ vọng đóng góp vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, FSI đã phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ có tính ứng dụng cao trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng mô hình giáo dục số tại các cơ sở đào tạo.
Những sản phẩm công nghệ số sẽ giúp việc số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ sở giáo dục, xây dựng kho học liệu số cũng như khai thác dữ liệu phục vụ hoạt động dạy và học của giảng viên, học sinh được đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, từ đó đem lại hiệu quả tốt hơn trong công tác quản lý và giáo dục.
Cũng trong chương trình, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội (ITI) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ FSI trong việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân sự chất lượng cao, nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực công nghệ Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Việc hợp tác giữa doanh nghiệp công nghệ và đơn vị giáo dục sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn sinh viên chất lượng, lựa chọn được nhân sự phù hợp. Đồng thời, sinh viên các cơ sở giáo dục có điều kiện thực tập, làm việc lâu dài tại các doanh nghiệp. Như vậy, mô hình hợp tác sẽ giảm gánh nặng chi phí cho cả phía doanh nghiệp và đơn vị đào tạo./.