Khoa học

Kiên Giang: Chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm

Kiên Giang

Thực hiện chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tỉnh Kiên Giang tập trung xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Không chỉ là “bộ não số”, IOC Kiên Giang còn là “cầu nối” tiếp nhận thông tin hai chiều: cung cấp thông tin, số liệu hỗ trợ đắc lực cho chính quyền trong chỉ đạo, điều hành và là “kênh” để người dân phản ánh, kiến nghị, đảm bảo tính chân thực, chính xác, minh bạch (Ảnh: Minh Quyết /TTXVN)

(TTXVN)  Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Tỉnh xác định rõ chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, động lực trong phát triển tỉnh. Do đó, phải có sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị cho đến người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và xu hướng tất yếu của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, huy động được sự tham gia của toàn dân làm nguyên tắc cơ bản trong xây dựng các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025. Tỉnh ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), nâng cao chỉ số xếp hạng của tỉnh về chuyển đổi số. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị và ứng dụng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền điện tử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh này phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện mô hình chính quyền số, hình thành xã hội số, kinh tế số và đô thị thông minh triển khai thành công tại các thành phố trong tỉnh để nhân rộng mô hình đến các huyện. Theo lộ trình, năm 2023, đối với chính quyền số, Kiên Giang phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 80% người dân, doanh nghiệp thực hiện đánh giá hài lòng khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính; 10% thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay; 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần, hợp nhất trên tất cả hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, thanh toán trực tuyến, cho phép thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.

Ngoài phần hạ tầng, phần mềm điều hành, giám sát với 10 chức năng: tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, giám sát kết quả thực hiện dịch vụ công, tình hình an toàn giao thông, an ninh, trật tự… IOC Kiên Giang còn được VNPT xây dựng nền tảng (platform) với app (ứng dụng) di động dành cho lãnh đạo tỉnh, qua đó có thể trực tiếp điều hành, xử lý công việc… (Ảnh: Minh Quyết /TTXVN)

Cũng thời gian này, Kiên Giang phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt 12% GRDP; với xã hội số, người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 60%; hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 70%; người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 60%; dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 40%; dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 20%; người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 80%...

Trong các mục tiêu chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đặt ra vào năm 2025, đáng chú ý, Kiên Giang phấn đấu toàn bộ thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp thực hiện đánh giá hài lòng khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.../.

Lê Huy Hải

Tin liên quan

Xem thêm