Để tạo hành lang pháp lý giúp ngành nước phát triển ổn định, bền vững, Chính phủ đã đưa dự án xây dựng Luật Cấp, Thoát nước vào Chương trình hành động nhiệm kỳ 2021-2026.
(TTXVN) Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã được ban hành trên 15 năm, Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, các văn bản dưới luật đến nay không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Trong khi đó, nhiều vấn đề quan trọng của ngành nước lại chịu sự quản lý chồng chéo của các luật khác như Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư…
Để tạo một hành lang pháp lý giúp ngành nước phát triển ổn định, bền vững, Chính phủ đã đưa dự án xây dựng Luật Cấp, Thoát nước vào Chương trình hành động nhiệm kỳ 2021-2026. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cấp thoát nước Việt Nam.
* Phóng viên: Trước tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh nhưng cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch đồng bộ, chính sách của ngành cấp thoát nước còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
* Ông Trần Anh Tuấn: Chính sách ngành nước gồm cấp nước và thoát nước (thoát nước mưa và thu gom xử lý nước thải). Hiện theo các Luật liên quan điều tiết nội dung này gồm: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị như: Hạ tầng kỹ thuật khung là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính cấp đô thị, bao gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn cấp nước, tuyến cống thoát nước, tuyến thông tin viễn thông và các công trình đầu mối kỹ thuật.
Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, đã lược bỏ các nội dung quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật vùng tỉnh, vùng liên tỉnh (được tích hợp trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch).
Quản lý nguồn nước (cấp nước, gồm nguồn nước tự nhiên và nguồn nước thông qua các công trình thủy lợi) được điều tiết bởi 2 luật: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi. Luật Bảo vệ Môi trường quản lý các vấn đề xả thải gây ô nghiễm nguồn nước.
Ngoài ra còn các văn bản dưới Luật như: Về cấp nước có Nghị đinh 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 117/2007/NĐ-CP.
Về thoát nước có Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải; các thông tư hướng dẫn các nghị định; các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các tiêu chuẩn Việt Nam được Bộ Xây dựng ban hành.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập như: Nghị định (NĐ117/2007/NĐ-CP và NĐ124/2011/NĐ-CP) đã ban hành quá lâu (trên 15 năm) với căn cứ các luật đã hết hiệu lực và không còn phù hợp với yêu cầu, thực tế phát triển của ngành cấp nước, như các vấn đề xã hội hóa, cổ phần hóa trong đầu tư xây dựng, hệ thống cấp nước liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, an ninh, an toàn nguồn nước, cấp nước an toàn,…
Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải. Nghị định này chỉ có các quy định chung cho thoát nước, chưa rõ các nội dung về thoát nước mưa; thoát nước và xử lý nước thải; các vấn đề đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước, như trách nhiệm các cấp chính quyền, các tổ chức, người dân, nguồn lực đầu tư, chi phí chi trả cho dịch vụ nước mưa, nước thải và phòng, chống ngập úng đô thị… Như vậy ở cấp Luật, hiện chưa có luật chuyên ngành về cấp thoát nước, thời gian tới chúng ta cần xây dựng luật, sửa đổi các văn bản dưới luật hiện hành để triển khai thực hiện phù hợp.
* Phóng viên: Đô thị hóa, bê tông hóa tại các đô thị ngày càng nhanh, ngập lụt đô thị… ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân, việc vận hành hệ thống thoát nước tại các đô thị vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, ngành thoát nước cần phải có hướng đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ thoát nước như thế nào?
* Ông Trần Anh Tuấn: Hệ thống thoát nước các đô thị cơ bản là hệ thống thoát nước chung, chưa đồng bộ với phát triển đô thị, được xây dựng qua nhiều thời kỳ (nước mưa và nước thải chảy chung) ngoại trừ một số khu vực đô thị mới có đầu tư hệ thống thoát nước riêng, còn khu vực nông thôn thoát nước chủ yếu là tự thấm, chưa có hệ thu gom và xử lý nước thải.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quản lý thực hiện quy hoạch đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hạ tầng thoát nước không đồng bộ…Tình trạng ngập úng đô thị xảy ra hầu khắp các đô thị với tần suất ngày càng gia tăng do mưa và thủy triều; đáng chú ý thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ,... và các đô thị ven biển, cửa sông và thậm chí cả các đô thị trung du miền núi cũng xảy ra ngập úng.
Để giảm thiểu mức độ ngập úng tại các đô thị cần hiểu rõ các nguyên nhân gây ra ngập úng như: Hệ thống thoát nước không đủ năng lực thoát nước (chắp vá, xây dựng nhiều thời kỳ, xả rác, bảo trì,…); san lấp lấn chiếm sông rạch… đô thị phát triển bê tông hóa gia tăng lưu lượng nước vào các mạng lưới thoát nước; quy hoạch thoát nước còn hạn chế và đầu tư hệ thống thoát nước chưa được các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư thiếu đồng bộ… và cả yếu tố ảnh hưởng gián tiếp do quản lý rừng thượng nguồn…
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mưa bất thường (mưa cực đoan); các trận mưa có lượng mưa lớn vượt ngưỡng tính toán trước đây (30-50 mm) nay có trận mưa 100-150-200 mm (thậm chí có nơi lên tới 300-400 mm); hoặc mưa kéo dài cả ngày, nhiều ngày; các đô thị gần biển, ven biển còn có tác động nước biển dâng…
Vì thế, thời gian tới cần đưa ra các giải pháp chính như: Về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị: cần rà soát các quy hoạch đô thị, các quy hoạch liên quan (quy hoạch thủy lợi,…); cần không gian chứa nước, thoát nước các khu vực đô thị, vùng ven các đô thị nhằm kiểm soát nước khi mưa lũ. Trong các đô thị cần bảo tồn và phát triển các vùng xanh tự nhiên và tạo thêm các vùng xanh ít nhất phải đạt trên 20% quy mô đô thị; phát triển đô thị tạo khoảng đệm (vùng cây xanh) các khu đô thị (đô thị cũ và đô thị mới); xây dựng các hồ điều hòa có quy mô phù hợp theo các lưu vực thoát nước; kết hợp các giải pháp thoát nước phù hợp theo từng lưu vực, các giải pháp thoát nước bền vững: thu nước nhanh và thoát nước chậm - tái sử dụng nước, bổ cấp nguồn nước…
Các cấp chính quyền đô thị cần quan tâm xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí, tổ chức thực hiện quy hoạch cao độ nền và thoát nước; duy tu bảo dưỡng, đầu tư xây dựng mới, quản lý vận hành hệ thống thoát nước, bảo vệ, phát triển các vùng xanh đô thị,…bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện quy hoạch thoát nước cần thực hiện giải pháp cho từng lưu vực (quy mô 300-500 ha) kết hợp với các giải pháp toàn đô thị và cả lưu vực theo quy hoạch thủy lợi. Các bộ, ngành liên quan cần có các chính sách phối kết hợp; sớm xây dựng và ban hành Luật Cấp thoát nước đảm bảo hành lang pháp lý trong phát triển ngành cấp thoát nước.
Đồng thời, xây dựng các cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, đặc biệt các số liệu tần suất mưa theo các vùng, miền phục vụ công tác tính toán dự báo hệ thống thoát nước các đô thị. Kết hợp trong dự báo, tính toán quy hoạch thoát nước đô thị và quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thoát lũ theo lưu vực sông và kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được công bố.
* Phóng viên: Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp cấp thoát nước Việt Nam, với nhà trường, các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học và công nghệ, các công ty cấp, thoát nước cần triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn, thưa ông?
* Ông Trần Anh Tuấn: Các vấn đề được đặt ra khi ban hành các chính sách ngành nước có tính thực tiễn như: Các doanh nghiệp cấp thoát nước cần tổng hợp, đánh giá các vấn đề vướng mắc, hạn chế trong thực tế triển khai không chỉ việc tổ chức thực hiện mà cả các vấn đề công nghệ, vận hành; quản trị doanh nghiệp, tài sản, mô hình tổ chức hoạt động… đặt hàng với các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu (cả trong và ngoài nước).
Các viện, các trường, các trung tâm nghiên cứu sẽ nghiên cứu các vấn đề được đặt ra từ các doanh nghiệp (trên cơ sở khoa học, thực tiễn và cả kinh nghiệm các nước) để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Kết quả phối hợp của các doanh nghiệp ngành nước sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với các cơ quan quản lý trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật của ngành cấp thoát nước;
Một vấn đề quan trọng trong quy trình lấy ý kiến góp ý hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật các doanh nghiệp ngành nước cần nghiên cứu kỹ và đóng góp ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành.
* Phóng viên: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, giúp nâng cao năng suất lao động và quản trị hiệu quả, theo ông, thời gian tới ngành nước nói chung, ngành cấp thoát nước nói riêng cần tiến hành thực hiện vấn đề này như thế nào?
* Ông Trần Anh Tuấn: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của Việt Nam (theo Quyết định số: 749/QĐ-TTG-phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”) và trong đó các doanh nghiệp ngành nước không loại trừ.
Thực hiện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp cấp nước thực tế nhiều các công ty cấp nước đã và đang triển khai, điển hình như Công ty cấp nước Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,…
Đối với các doanh nghiệp thoát nước (Công ty Môi trường) còn hạn chế; trên thực tế khi đầu tư xây dựng hê thống thoát nước đô thị đồng bộ sẽ thực hiện chuyển đổi số thuận lợi và phù hợp. Mặt khác các công ty thoát nước không phải các đơn vị chủ đầu tư hệ thống thoát nước mà chỉ được thuê vận hành theo hợp đồng dịch vụ (có thời hạn) cũng là hạn chế trong chuyển đổi số ngành thoát nước đô thị.
Một trong những vấn đề cần được quan tâm đối với ngành nước trong chuyển đổi số là vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu ngành thống nhất và xây dựng phần mềm quả lý thống nhất toàn ngành sẽ đồng bộ quản lý ngành cấp nước từ nguồn nước - xử lý (sản xuất) - phân phối (kinh doanh) của các doanh nghiệp. Đây cũng là nội dung cần được quan tâm trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật ngành nước trong thời gian tới.
* Phóng viên: Để tạo một hành lang pháp lý giúp ngành nước phát triển ổn định, bền vững, Chính phủ đã đưa dự án xây dựng Luật Cấp, Thoát nước vào Chương trình hành động nhiệm kỳ 2021- 2026, theo ông, Việt Nam cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước như thế nào?
* Ông Trần Anh Tuấn: Về quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước được quy định của pháp luật tại Luật Tài nguyên nước 2012 hiện nay đang dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã nhận được dự thảo và đã tham gia góp ý tại hội thảo tại thành phố Hạ Long và Hội đã có kế hoạch tổ chức hội nghị các công ty, doanh nghiệp ngành nước góp ý dự thảo luật tài nguyên nước (sửa đổi) với đơn vị soạn thảo.
Theo đó, một số nội dung chính góp ý cần làm rõ hoặc tránh sự giao thoa, chồng chéo đối với luật chuyên ngành như: Làm rõ tránh nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chất lượng nguồn nước phục vụ cho các ngành khi khai thác sử dụng tài nguyên nước; lược bỏ các quy định sử dụng tài nguyên nước sau khi được phép khai thác. Các nội dung này để các luật chuyên ngành quy định sẽ cụ thể, phù hợp hơn và tránh việc chồng chéo các luật; quy định trách nhiệm bổ cập tài nguyên nước./.
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
https://chinhsachcuocsong.vn/khoa-hoc-cong-nghe.html