Sáng kiến sử dụng máng cho ăn trong nuôi thương phẩm cá chạch sụn của ông Vũ Đức Thiện đã giúp nâng cao thu nhập của người dân địa phương.
Mô hình nuôi chạch sụn thương phẩm được nhân rộng ở tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là huyện Yên Mô. Cùng với việc mở rộng quy mô nuôi và phát triển thương hiệu cá chạch sụn, việc cải tiến, ứng dụng sáng kiến kỹ thuật vào các mô hình, các ao nuôi là hết sức cần thiết.
Ông Vũ Đức Thiện, xã Yên Thành, huyện Yên Mô đã tự mày mò, nghiên cứu và có sáng kiến cải tiến kỹ thuật sử dụng máng cho ăn trong việc nuôi thương phẩm cá chạch sụn. Sau hơn 2 năm áp dụng, sáng kiến đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân địa phương. Sáng kiến này đã đoạt giải Ba "Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc" lần thứ IX năm 2022 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, huyện Yên Mô đã tập trung phát triển thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất và cải thiện thu nhập cho người dân. Đặc biệt, hệ thống ao nuôi khá dày, diện tích vùng trũng lớn là điều kiện tốt để phát triển thủy sản. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, năm 2017, nhiều hộ ở Yên Mô đã nghiên cứu, tìm hiểu và quyết định lựa chọn đưa giống cá chạch sụn vào nuôi thử nghiệm. Đến nay, mô hình nuôi chạch sụn thương phẩm đã được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Thực hiện nuôi thương phẩm cá chạch sụn, người nuôi khi cho cá ăn sẽ rải thủ công khắp ao hoặc sử dụng máy cho ăn tự động. Cá chạch sụn là đối tượng nuôi ăn nổi, ăn tạp và nuôi với mật độ cao (50-80 con/m2), do vậy tính cạnh tranh thức ăn của cá chạch sụn rất lớn. Việc cá nuôi trong ao được ăn no đều là rất khó nên khi thu hoạch cá thương phẩm tỷ lệ cá loại I không cao, trong khi giá thành giữa loại I và loại II trên thị trường chênh nhau từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế. Cho cá chạch sụn ăn theo phương thức cũ sẽ khó khăn trong việc kiểm soát đủ lượng thức ăn cung cấp cho cá nuôi. Cá nuôi bị đói sẽ sinh trưởng chậm, tỷ lệ chết cao. Thức ăn cung cấp thừa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước ao nuôi, khiến các chỉ số môi trường nước ao thay đổi theo chiều hướng xấu, có thể gây ngộ độc, làm cá chết hàng loại. Ngoài ra, sử dụng phương pháp cũ sẽ mất nhiều công lao động, làm giảm hiệu quả kinh tế.
Từ thực tế đó, ông Vũ Đức Thiện đã mày mò, nghiên cứu và đưa vào áp dụng giải pháp sử dụng máng cho ăn trong việc nuôi thương phẩm cá chạch sụn. Sau khi áp dụng cho thấy, việc sử dụng máng cho cá ăn sẽ giảm được công lao động, do không phải thuê nhân công rải thức ăn theo bữa đã được quy định và đặc biệt là giúp cá ăn no đều. Ông Vũ Đức Thiện cho biết, sau khi áp dụng sáng kiến, khi thu hoạch, tỷ lệ cá loại I đạt trên 85%, giúp mô hình nuôi tăng hiệu quả kinh tế khoảng 20% so với sử dụng phương thức cũ. Bên cạnh đó, sử dụng máng cho ăn, hiện tượng thức ăn dư thừa không còn, tránh lãng phí, chất lượng môi trường nước trong ao nuôi ổn định. Công lao động khi cho cá ăn sử dụng máng giảm 15% so với không sử dụng.
Hiện nay, huyện Yên Mô đã có hơn 10 ha nuôi thương phẩm cá chạch sụn với hàng trăm ao nuôi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Với đặc tính thơm ngon, đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm, năm 2020, sản phẩm "Cá chạch sụn kho niêu đất" đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu, khẳng định chất lượng của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, đây cũng là điều kiện nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ và là cơ sở để phát triển nuôi thương phẩm cá chạch sụn theo quy mô lớn.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình Đinh Hồng Thái cho biết, sau 2 năm áp dụng, việc sử dụng máng cho ăn trong nuôi thương phẩm cá chạch sụn đã khẳng định hiệu quả rõ rệt, là cơ sở để mở rộng diện tích nuôi trên địa bàn, góp phần tạo ra nông sản có giá trị cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh./.