Khoa học

Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin 2022 bàn về hạ tầng số

Hà Nội

Diễn đàn chính của Hội nghị năm 2022 tập trung vào chủ đề “Hạ tầng số - Chìa khóa tăng tốc chuyển đổi số Việt Nam”.

Quang cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXV về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin 2022 (REV-ECIT). Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

(TTXVN) Chiều 17/12, tại Hà Nội, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) tổ chức Hội nghị Quốc gia lần thứ XXV về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (REV-ECIT). Diễn đàn chính của Hội nghị năm 2022 tập trung vào chủ đề “Hạ tầng số - Chìa khóa tăng tốc chuyển đổi số Việt Nam”.

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá cao việc Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đã nỗ lực duy trì thường niên 2 sự kiện lớn của ngành vô tuyến điện là Hội nghị Quốc tế về Công nghệ tiên tiến trong truyền thông (ATC) và Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin (REV-ECIT). Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các viện, học viện, các trường và các cơ sở nghiên cứu về điện tử truyền thông công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu, đào tạo và đóng góp các ý kiến tư vấn khoa học, công nghệ có giá trị cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử viễn thông.

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục tần số Vô tuyến điện (Bộ Tt&TT) phát biểu. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Ông Trần Mạnh Tuấn cũng cho biết, chủ đề của Hội nghị năm nay tập trung về hạ tầng số. Đây là chủ đề đáp ứng tính thời sự, chứng tỏ Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam luôn theo sát các hoạt động của ngành thông tin và tuyền thông cũng như tích cực gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tế sản xuất và dịch vụ. Nhiều nghiên cứu khoa học được chia sẻ có lượng thông tin sâu, rộng và đóng góp cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam phát biểu. Ảnh: Ngọc Bích/TTXVN

Theo ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hội nghị REV-ECIT 2022 nhận được 130 báo cáo và công trình khoa học của hơn 400 tác giả đến từ 11 quốc gia, đề cập đến các vấn đề chính yếu của lĩnh vực điện tử truyền thông. Có 96 bài báo và công trình nghiên cứu từ 64 trường, viện và các cơ sở nghiên cứu. Sau quá trình xét duyệt với hội đồng 150 chuyên gia phản biện, Ban Tổ chức Hội nghị đã chấp nhận 79 công trình khoa học tiêu biểu để đăng trên kỷ yếu Hội nghị, trong đó 36 báo cáo được lựa chọn để trình bày tại các phiên báo cáo.

Chia sẻ tổng quan về định hướng phân bổ tần số và phát triển băng rộng vô tuyến điện phục vụ chuyển đổi số quốc gia, ông Bùi Hà Long, Phó Trưởng phòng Chính sách quy hoạch, Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, hiện nay, kết nối băng thông rộng đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số cũng như cải thiện hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống hàng ngày. Nhu cầu sử dụng internet kết nối băng rộng ngày càng cao. Trong tương lai gần, wifi sẽ là một trong số những công nghệ quan trọng để gia tăng kết nối internet cho các thiết bị xung quanh mọi người. Sự mở rộng các phương thức kết nối của vô tuyến lên vệ tinh, khí quyển, mặt trăng… là xu hướng trong tương lai.

Hiện nay, kết nối không dây internet (wifi) có tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Sự tăng trưởng của số lượng các thiết bị kết nối không dây cũng tăng mạnh. Theo thống kê của hãng Ericson, tại Bắc Âu, mỗi người dân trung bình kết nối với khoảng 10 thiết bị có sử dụng wifi. Với xu hướng này, mạng internet 4G sẽ tiếp tục có tăng nhẹ và đạt đỉnh năm 2026, trong khi đó, mạng 5G sẽ có tốc độ tăng trưởng đột biến; tiến tới, các mạng cũ 2G và 3G sẽ bị tắt sóng. Các thiết bị sử dụng kết nối wifi ước tính sẽ tăng khoảng 20% mỗi năm, theo đó, các công nghệ kết nối wifi và hệ sinh thái các thiết bị wifi cũng phát triển rất nhanh. Ông Bùi Hà Long cho rằng, việc đưa các tần số mới ra sử dụng phải hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi ích kinh tế-xã hội, cung cấp dịch vụ chất lượng, giá thành hợp lý cho mọi người dân.

Tham dự diễn đàn, các diễn giả cũng trao trao đổi thông tin về hệ sinh thái các thiết bị internet kết nối vạn vật (IoT), hệ sinh thái điện lưới thông minh trong xu thế chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, học máy.../.

Ngọc Bích

Xem thêm