Bạo lực giới gây nên những tổn thương cả về thể chất và tinh thần đối với người bị bạo lực cũng như các thành viên khác trong gia đình.
Bạo lực giới gây nên những tổn thương cả về thể chất và tinh thần đối với người bị bạo lực cũng như các thành viên khác trong gia đình. Vấn nạn này còn ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, làm giảm tiến độ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
“Bữa cơm chỉ có hai mẹ con càng vui. Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là bình yên. Tôi mong chờ con trai tôi lớn khôn, trưởng thành để sau đó tự giải thoát mình”, chị T. một phụ nữ bị bạo lực gia đình ở thành phố biển Đà Nẵng nghẹn ngào chia sẻ khi được hỏi về mong muốn lớn nhất của mình trong thời điểm này.
“Sống không bằng chết” bởi bạo lực gia đình, một nữ nạn nhân đang tạm lánh ở Ngôi Nhà bình yên ở Cần Thơ cũng cho biết, kể từ khi lấy chồng năm 2019, chị thường xuyên hứng chịu bạo lực cả về vật chất lẫn tinh thần từ chồng. Chị còn kể, chồng ép chị quan hệ tình dục. Thời gian ở cữ chưa tròn tháng, người chồng đầu gối tay ấp đã đánh chị bầm mắt, đập vỡ điện thoại.
Theo bà Nguyễn Ngọc Trân, phụ trách Ngôi Nhà bình yên- khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị này đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người và xâm hại tình dục. Một trong những trường hợp đặc biệt đó là H, một người phụ nữ bị lừa mua bán sang nước ngoài lúc mới 14 tuổi. H là thân chủ đầu tiên Ngôi nhà Bình yên tiếp nhận vào tháng 10/2018.
Là cô gái rất ngoan và hiếu thảo, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn H chỉ học đến lớp 7 sau đó nghỉ học. Với mong muốn giúp ba, mẹ có cuộc sống tốt hơn, H đã tin lời một người thân ở gần nhà và bị lừa bán sang nước ngoài làm vợ lúc 14 tuổi. Ở xứ người, H bị nhốt trong nhà, điều kiện sống rất khó khăn và đã sinh 2 con. May mắn, H liên hệ và được một tổ chức xã hội của Việt Nam giúp đỡ; hành trình mang con từ nước ngoài trở về rất gian truân và nguy hiểm. Vượt qua nhiều chặng di chuyển, nhiều ngày đêm trên các chuyến xe từ nước ngoài để tới biên giới Việt Nam. Sau đó, ba mẹ con H được Bộ đội Biên phòng kết nối tới Ngôi Nhà bình yên.
Bà Nguyễn Ngọc Trân cũng cho biết, qua công tác tiếp nhận và hỗ trợ các nạn nhân bạo lực giới, bà nhận thấy các hình thức bạo lực gia đình phổ biến hiện nay vẫn là bạo lực thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế cũng đang gia tăng. Đáng ngại, đối với thời kỳ chuyển đổi công nghệ số, một hình thức bạo lực từ việc áp dụng các công nghệ đang được ghi nhận trong thời gian qua. Việc người gây bạo lực sử dụng công nghệ như: thiết bị định vị, theo dõi, ghi âm, ghi hình, đăng nhập vào các thông tin và tài khoản mạng xã hội cá nhân nhằm kiểm soát và thao túng nạn nhân đang là một trong những rào cản lớn cho nạn nhân lên tiếng tìm kiếm sự trợ giúp và cũng thách thức công tác hỗ trợ.
Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời, 87% từng bị quấy rối tình dục, 64% từng bị bạo lực khi hẹn hò và 90,4% số phụ nữ bị bạo hành không tìm kiếm sự giúp đỡ mà âm thầm chịu đựng. Thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ gây ra chiếm tới 1,81% GDP của cả nước.
Báo cáo mới đây của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 cũng cho thấy, mặc dù bạo lực thể chất đã có dấu hiệu giảm bớt nhờ vào các chiến dịch tuyên truyền, sự thay đổi trong nhận thức xã hội và các biện pháp pháp lý nghiêm khắc hơn, nhưng các hình thức bạo lực khác lại có xu hướng gia tăng và tinh vi hơn. Theo số liệu tổng hợp, năm 2023 có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với tổng số 3.240 vụ (năm 2022 là 4.454 vụ). Trong tổng số vụ bạo lực gia đình, bạo lực thân thể với 1.521 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.
Vì sao bạo lực giới, bạo lực gia đình lại nhức nhối, tồn tại dai dẳng và ngày càng phức tạp trong xã hội, bất chấp sự phát triển của kinh tế-xã hội, dân trí ngày càng nâng cao và các quy định pháp luật rất chặt chẽ, nghiêm khắc?
Theo bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến phòng ngừa giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới bởi tác động biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, làm gia tăng tình trạng di cư tìm việc làm hoặc kết hôn với người nước ngoài với mục đích kinh tế. Bên cạnh đó, bạo lực trên cơ sở có xu hướng phức tạp với nhiều hình thức tinh vi như mua bán người thông qua giới thiệu việc làm, người quen trên không gian mạng…
Tiến sĩ Phùng Thị An Na (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, một yếu tố quan trọng khiến bạo lực giới tồn tại dai dẳng là sự bất bình đẳng về kinh tế giữa nam và nữ. Phụ nữ ở nhiều khu vực, đặc biệt là nông thôn, vẫn phải phụ thuộc tài chính vào chồng hoặc gia đình. Không độc lập về tài chính, phụ nữ gặp khó khăn trong việc thoát khỏi các mối quan hệ bạo lực. Ngoài ra, phụ nữ cũng thường bị hạn chế cơ hội học tập, việc làm và thăng tiến trong công việc nên khó có thể cải thiện vị thế trong xã hội.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Trẻ em Vị thành niên (CSAGA) cho rằng mặc dù Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp lý để bảo vệ phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới song khâu thực thi còn những hạn chế, vẫn tồn tại định kiến giới, khuôn mẫu giới ngay trong các cơ quan thực thi, truyền thông chính sách, pháp luật. Trong gia đình, người thân của nạn nhân cũng có định kiến, khuôn mẫu giới, đổ lỗi cho nạn nhân.
“Những khuôn mẫu đấy khiến cho người phụ nữ bị bạo lực không muốn lên tiếng", bà Vân Anh cho biết./.
(Bài tiếp theo: Xây bến đỗ bình yên)