Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số Điện Biên tăng cường chống chịu rủi ro thiên tai
Dự án IREM được thực hiện tại 9 xã thuộc huyện Mường Ảng, Mường Chà, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Ngày 22/11, tại tỉnh Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Tổ chức World Vision International tại Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (IREM). Dự án do Liên minh cứu trợ Đức (ADH) tài trợ và được triển khai trong 14 tháng (10/2023 - 11/2024).
Những năm gần đây, tại tỉnh Điện Biên thiên tai xảy ra thường xuyên hơn với cường độ ngày một lớn đã gây ra những thiệt hại đáng kể về con người và tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, cuộc sống của người dân và an sinh trẻ em. Dự án IREM được thực hiện tại 9 xã thuộc huyện Mường Ảng, Mường Chà, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên); tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương, như: hộ nghèo, trẻ em, người khuyết tật, cha/mẹ đơn thân, đồng thời cải thiện cơ sở vật chất, nâng cấp trường học và cơ sở hạ tầng cộng đồng.
Sau hơn một năm triển khai, dự án đã đạt nhiều kết quả tích cực: Trên 35.000 người dân và hơn 15.000 trẻ em được nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai thông qua các hoạt động truyền thông; hơn 22.000 người, bao gồm 6.000 trẻ em và 101 người khuyết tật, được hỗ trợ thông qua 47 sáng kiến cộng đồng; 10.000 giáo viên, học sinh tại 28 trường học được nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai; 45 sáng kiến "Trường học an toàn" bảo vệ gần 6.000 học sinh, trong đó có 65 học sinh khuyết tật. Các chương trình còn giúp người dân nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như: lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, cháy rừng, rét đậm...
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Thành công của dự án không chỉ nằm ở những con số hay kết quả hiện tại, còn ở ý nghĩa lâu dài là xây dựng được một đội ngũ giảng viên nguồn cấp tỉnh về quản lý rủi ro thiên tai và khung trường học an toàn với hơn 50 giảng viên được cấp chứng nhận giảng viên cấp tỉnh; các đội, tổ xung kích phòng, chống thiên tai các xã, bản, các trường học sẵn sàng ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân, giáo viên và học sinh...
Ông Stanislaus Rozario, Giám đốc Tài chính và Dịch vụ hỗ trợ của World Vision cho biết: Vượt lên trên những kết quả hữu hình, dự án đã thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ từ mọi cấp chính quyền, các cơ quan địa phương, giáo viên, học sinh và các thành viên trong cộng đồng. Chính sự chung tay nỗ lực này đã đóng vai trò then chốt trong thành công của dự án. Khi dự án kết thúc, các kết quả đạt được sẽ được bàn giao cho chính quyền địa phương và cộng đồng nhằm duy trì, phát huy. World Vision cam kết tiếp tục hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong các chương trình, dự án tương lai, đảm bảo sự phát triển bền vững vì an sinh trẻ em và cộng đồng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về kết quả dự án, bài học kinh nghiệm, giải pháp duy trì thành quả trong tương lai. Đặc biệt, vai trò của các đối tác địa phương trong việc triển khai hiệu quả các hoạt động được đánh giá cao./.
- Từ khóa:
- Điện Biên
- thiên tai
- dân tộc thiểu số
- World Vision