Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tính chiến lược, lâu dài trong quá trình phát triển của tỉnh Ninh Thuận.
Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV – năm 2024 với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển bền vững”. Tham dự
Đại hội có 250 đại biểu thuộc 32 dân tộc, đại diện cho gần 177.000 đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà ghi nhận, chúc mừng những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Thuận; đặc biệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số đã chung sức, đồng lòng, từng bước làm “thay da, đổi thịt” vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, góp sức cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nỗ lực chủ động, quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu lớn hơn; đồng thời, đánh giá và nhận diện rõ nét hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc gắn với các mục tiêu, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 để tập trung thực hiện hiệu quả.
Báo cáo chính trị tại Đại hội và các ý kiến thảo luận đã đặt ra mục tiêu cho công tác dân tộc đến năm 2029 như: Phấn đấu 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, 80% hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông – lâm nghiệp hàng hóa; có trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới cũng tập trung vào các vấn đề môi trường và ổn định xã hội gồm: xóa tình trạng nhà ở tạm bợ, dột nát; bảo vệ môi trường sinh thái; ngăn chặn di cư ngoài kế hoạch; sắp xếp và di dời đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Đây là những bước đi quan trọng để đạt được mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.
Phát biểu tại Đại hội, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có tính chiến lược, lâu dài trong quá trình phát triển của tỉnh. Để đạt mục tiêu Đại hội đã đề ra, cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, năng lượng, thông tin truyền thông, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, nước sạch, văn hóa, thể thao..., tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.
Địa phương tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò của trưởng thôn, trưởng họ, người có uy tín để dẫn dắt, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách; đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển dịch vụ, du lịch cộng đồng.
Tỉnh Ninh Thuận có 32 dân tộc thiểu số với 39.478 hộ/176.452 khẩu, chiếm 24,03% so với dân số toàn tỉnh; chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và dân tộc Raglai. Giai đoạn 2019-2024, toàn tỉnh đã huy động trên 4.877 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với hơn 1.000 hạng mục công trình, dự án. Năm 2024, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đạt 32,4 triệu đồng/người/năm, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ giảm nghèo bình quân từ 3 – 4%/năm; có 2 huyện và 14/28 xã vùng núi đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân; 5 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen cho 13 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019- 2024./.
- Từ khóa:
- vùng dân tộc
- thiểu số
- Ninh Thuận