Giai đoạn 2024 - 2029, Lạng Sơn thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết vấn đề cấp bách, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn khó khăn... Đây là mục tiêu được đưa ra tại Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 tổ chức ngày 19/11.
Giai đoạn 2024 - 2029, Lạng Sơn quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Đồng thời, tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.
Tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước...
Lạng Sơn phấn đấu 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%/năm (theo chuẩn nghèo của các giai đoạn); duy trì 100% xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế; 99% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục chất lượng cao; cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...
Để đạt mục tiêu trên, Lạng Sơn chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc và miền núi phục vụ sản xuất và đời sống của bà con; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn triển khai hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đồng thời thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết; chuyển hóa di sản, bản sắc dân tộc trở thành nguồn lực, tài nguyên cho sự phát triển bền vững...
Tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm mong muốn, đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, chung sức đồng lòng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024 đề ra.
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn lần thứ III năm 2019, tốc độ giảm nghèo của tỉnh đạt trên 2,9%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 56 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh hỗ trợ nhà ở cho 1.040 hộ dân, chuyển đổi nghề cho 1.887 hộ dân. Hằng năm, tạo việc làm mới cho khoảng 15.000 - 17.000 lao động; 100% hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được quan tâm, thực hiện hiệu quả.
Dịp này, 2 cá nhân của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 6 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 33 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, dân số trên 812 nghìn người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,91% dân số toàn tỉnh. Tại tỉnh, các dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông sinh sống quần tụ, đoàn kết xây dựng và bảo vệ quê hương xứ Lạng, tạo nên giá trị truyền thống lịch sử hào hùng, bản sắc văn hóa tốt đẹp, bền vững./.