Các hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo tỉnh Kon Tum không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà đã tiếp cận được những tư duy đổi mới, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tại Kon Tum, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác lạc hậu, chưa mang lại giá trị cao cho sản phẩm. Trước thực trạng này, tỉnh đã triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Từ đó, cộng đồng người dân tộc thiểu số đã phát huy được sức mạnh tập thể trong sản xuất nông nghiệp, liên kết làm ăn, tạo ra nguồn thu nhập bền vững.
Đa phần người Mơ Nâm (một nhánh của Xơ Đăng) sinh sống tại huyện Kon Plông, nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào diện tích trồng mì (sắn) kém hiệu quả, giá cả bấp bênh. Đầu năm 2024, thực hiện chương trình cải tạo, phát triển kinh tế cho người dân tộc thiểu số, huyện đã thành lập mô hình “Vườn rau gia đình” và "Rau củ tập trung". Nhiều hộ dân tại làng Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen) đã tham gia vào mô hình này và bước đầu có kết quả.
Anh A Hùng (Tổ trưởng nhóm 1, làng Kon Vơng Kia) cho biết, trước đây, nhóm của anh có 12 hộ cùng tham gia trồng khoai lang trên diện tích 7 sào. Sau 5 tháng trồng, cả nhóm thu về lợi nhuận là 68 triệu đồng. Tuy nhiên, việc trồng khoai lang có rất nhiều rủi ro như: bệnh hại nhiều, khó cải tạo đất, giá cả thất thường.
Từ khi chuyển sang mô hình “Vườn rau gia đình” và "Rau củ tập trung", nhóm của anh A Hùng chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày như: cải cay, cải ngọt, cà pháo, rau rừng, su su… Quy trình trồng luôn được đảm bảo theo tiêu chuẩn Vietgap nên số lượng rau phát triển tốt, chất lượng đất ngày càng được cải tạo. Chỉ trong 24 ngày, nhóm đã thu về lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.
Nhận thấy lợi ích từ việc trồng rau, các hộ trong nhóm tích cực tham gia Hợp tác xã rau xứ lạnh Măng Đen. Hợp tác xã giúp người dân bao tiêu về sản phẩm, đảm bảo về giá cả và yên tâm trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã có thêm 3 nhóm tổ hợp tác tại làng Kon Vơng Kia được thành lập với 35 hộ dân. Tham gia tổ hợp tác, người dân sẽ chấm công để cùng phân chia lợi nhuận. Điều này đã phát huy được thế mạnh cộng đồng của người dân tộc thiểu số trong việc làm kinh tế, nâng cao thu nhập.
Chị Y Lợi (làng Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen) chia sẻ, nhận thấy việc trồng lúa nước không mang lại lợi nhuận, gia đình chị đã góp 2 sào để tham gia tổ hợp tác liên kết trồng rau. Thời gian đầu, gia đình chị thu về lợi nhuận hơn 4 triệu đồng chỉ trong 20 ngày. Kết hợp với diện tích trồng cà phê, mì, cuộc sống của gia đình chị đã dần ổn định.
Thông qua Hợp tác xã rau xứ lạnh Măng Đen, người dân được chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư 500 m2 nhà màng để trồng các loại rau xứ lạnh. Đến nay, số rau trên đang bước vào thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt 500 kg rau các loại, số tiền thu được ước đạt 12,5 triệu đồng. Theo nhận định của người dân, với giá bán rau như hiện tại, mô hình này sẽ cho doanh thu đạt khoảng 1,5 tỷ/ha/năm.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen Đồng Thế Danh cho biết, thời gian tới, thị trấn tiếp tục vận động các nhóm hộ nhân rộng và phát triển các loại rau, củ, quả phù hợp với địa phương, hướng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thị trấn phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Hợp tác xã rau xứ lạnh Măng Đen để hỗ trợ kỹ thuật, giống, hướng dẫn các hộ dân thực hiện đúng quy trình chăm sóc tốt các loại rau. Cùng với đó, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Hợp tác xã rau xứ lạnh Măng Đen xây dựng thương hiệu rau, củ xứ lạnh Măng Đen nhằm đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Tương tự tại huyện Đăk Tô, các hộ dân tộc thiểu số luôn tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp. Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ dứa, mắc ca được triển khai đã giúp người dân trong làng có thu nhập cao hơn so với việc trồng mì thông thường. Ngoài ra, người dân tộc thiểu số đã dần nâng cao nhận thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cùng nhau tạo ra những sản phẩm mang giá trị cao. Anh A Char (làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) cho biết, khi tham gia các tổ hợp tác, người dân hiểu biết thêm về kỹ thuật trồng các loại cây nông nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp khi liên kết với người dân sẽ giúp bao tiêu sản phẩm, giá cả bán ra mang lại lợi nhuận cao hơn so với bán lẻ.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô Tưởng Văn Khanh cho biết, các mô hình liên kết, phát triển sản xuất triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân đã phát huy được sức mạnh của tập thể, dần chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng sản xuất hiệu quả, thu nhập được nâng lên.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại tỉnh Kon Tum, các hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đã không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Thay vào đó, người dân đã tiếp cận được những tư duy đổi mới, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững./.