Môi trường

Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Huế

Thừa Thiên Huế

Công trình xanh không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên mà còn tạo ra môi trường tốt cho người sử dụng.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

(TTXVN) Ngày 20/12, tại thành phố Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Huế”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về văn bản, chính sách phát triển công trình xanh tại Việt Nam; giới thiệu thị trường công trình xanh tại Việt Nam; hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh. Bên cạnh đó, các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng công trình xanh, đưa ra giải pháp nhằm gia tăng thêm nhiều công trình xanh tại Thừa Thiên - Huế.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh, công trình xanh không chỉ là công trình tiết kiệm năng lượng và tài nguyên mà còn tạo ra môi trường tốt cho người sử dụng. Hội thảo lần này nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng các tổ chức, cá nhân nâng cao kiến thức về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần tìm kiếm công trình có thiết kế sử dụng tài nguyên hiệu quả, tích hợp giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển của công trình xanh tại Thừa Thiên - Huế.

Những đóng góp tại hội thảo là tiền đề để Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những địa phương tiên phong trong phát triển công trình xanh, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh cho rằng, để thúc đẩy phát triển công trình xanh, ngoài thực hiện văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy phát triển công trình xanh, Thừa Thiên - Huế cần xây dựng kế hoạch hành động riêng của tỉnh, thông qua hỗ trợ chủ đầu tư từ yêu cầu về thủ tục hành chính, thủ tục xây dựng, đến tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cho đối tượng liên quan.

Tỉnh cần phối hợp với tổ chức tài chính, ngân hàng tìm kiếm kết nối nguồn vốn vay ưu đãi cho dự án công trình xanh; tổ chức hoạt động đào tạo chuyên sâu về kiến trúc, giải pháp thiết kế, lựa chọn vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế có tiềm năng thế mạnh về văn hóa di sản và du lịch, vì vậy tỉnh cần xúc tiến, quảng bá, hình thành công trình di sản hoặc công trình khách sạn đạt chứng nhận công trình xanh để thu hút khách du lịch. Đây là giải pháp để tỉnh thúc đẩy, hỗ trợ chủ khách sạn, đơn vị quản lý vận hành cơ sở di tích văn hóa nhằm đầu tư xanh, góp phần quảng bá Huế - thành phố di sản, thành phố xanh đến du khách quốc tế.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Công trình xanh là sản phẩm của quá trình xây dựng đã cân nhắc tác động tới môi trường và tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của công trình trong suốt quá trình tồn tại (từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và phá dỡ). Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy ngành xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển công trình xanh.

Tại Hội thảo, đa số đại biểu đã đánh giá, công trình xanh mang lại hiệu quả nhiều mặt như môi trường, lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế. Công trình xanh có nhiều triển vọng và trở thành một trong những nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam cũng như chiến lược “xanh hóa” ngành xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Nhiều đại biểu cho rằng Thừa Thiên - Huế đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng xanh, thông minh, bền vững là chủ trương rất đúng đắn, đồng thời tạo cơ hội để hình thành nhiều dự án xanh của các công trình và những dự án khu đô thị xanh. Các công trình xanh là điểm nhấn tô điểm trong bức tranh Huế - thành phố xanh của Việt Nam./.

Tường VI

Xem thêm