Chính phủ Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
(TTXVN) Ngày 13/12, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học "Quản lý thị trường cacbon cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam".
Tiến sỹ Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cho biết, khoảng vài năm trở lại đây, thị trường carbon toàn cầu đã phát triển theo cấp số nhân.
Từ sau năm 2018, các thị trường carbon mới đã được thiết lập, nhiều quốc gia cam kết thực hiện mục tiêu phát thải bằng không (net -zero). Trong khi các thị trường hiện tại đã tăng giá để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải bổ sung.
Cho đến nay, nhiều nước đã cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu và đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 (hoặc sớm hơn) nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Trong xu hướng phát triển đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong giai đoạn phát triển ban đầu này, còn nhiều vấn đề lý thuyết và thực tiễn về kỹ thuật, pháp lý, tài chính, hành chính, vai trò và sự hiệu quả của các khuôn khổ tự nguyện và bắt buộc, cũng như sự tham gia của các bên liên quan cần được làm rõ.
Hội thảo này là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, những người quan tâm đến phát triển bền vững, đặc biệt là xu hướng quốc tế, công cụ pháp lý, cơ chế vận hành, quản lý thị trường tín chỉ carbon chia sẻ, thảo luận những vấn đề liên quan nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.
Bàn về về lộ trình xây dựng thị trường cacbon trong nước ở Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: xây dựng thị trường cacbon trong nước, Quy định chi tiết tại Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường, lộ trình được chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất từ nay đến năm 2027 mục tiêu xây dựng quy định quản lý tín chỉ cacbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ cacbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ cacbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ cacbon trong các lĩnh vực tiềm năng, hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ cacbon...
Giai đoạn thứ hai, từ năm 2028 tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ cacbon, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ cacbon trong nước với thị trường cacbon khu vực và thế giới.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển thị trường cacbon tại Việt Nam, Tiến sỹ Bùi Quang Bình, Trưởng Phòng Môi trường và Phát triển bền vững Vùng (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng) cho rằng: mục tiêu giảm phát thải là cơ chế khuyến khích, không phải cơ chế bắt buộc.
Chính sách và mục tiêu giảm phát thải chưa rõ ràng; tính ổn định về chính sách là khó khăn cho doanh nghiệp, cần lựa chọn các phương án giảm thiểu phát thải với chi phí đầu tư thấp.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng chưa hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường, gây khó khăn cho việc hình thành giá phát thải cacbon trên quan hệ cung cầu, khó khăn cho việc tạo ra các áp lực về giá, chi phí để doanh nghiệp cải tiến công nghệ hay chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng thay thế...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các khuyến nghị, giải pháp hướng tới việc xây dựng, vận hành thành công thị trường cacbon ở Việt Nam. Các đại biểu cho rằng cần có các gói chính sách tổng thể để giải quyết một cách toàn diện các vấn đề, đặc biệt là các chính sách hướng về phát triển năng lượng phát thải.
Bên cạnh đó, các chính sách phải giải quyết các tác động ảnh hưởng của việc giá cả hàng hóa sẽ tăng, ảnh hưởng đến người nghèo, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp. Đồng thời đảm bảo khả năng kiểm soát việc thực thi của các doanh nghiệp, vận hành thị trường thấp, tiết kiệm năng lượng để cung cấp cho doanh nghiệp các lựa chọn tối ưu cho giảm phát thải.../.