Quảng Ngãi: Sạt lở bờ sông cuốn trôi nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của người dân
Qua mỗi mùa mưa, lại có thêm nhiều diện tích đất cùng tài sản, hoa màu của người dân bị nước lũ cuốn trôi.
(TTXVN) Sạt lở nghiêm trọng bờ sông Cây Bứa đoạn qua thôn Năng Tây 2, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng ngãi khiến nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của người dân bị đổ ập xuống lòng sông.
Dẫn chúng tôi đi dọc vườn nhà, ông Nguyễn Thắm (67 tuổi) cho biết, trước đây, lòng sông cạn và hẹp nhưng khoảng 10 năm trở lại đây tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra liên tục, ngày càng diễn biến phức tạp.
Nếu như trước đây, khu vườn của gia đình ông cách bờ sông hơn 10m thì hiện nay nước sông cách khu chăn nuôi chỉ 2m, cách móng nhà khoảng 3,5m.
Để chống sạt lở, ông mua đá làm kè, trồng cây dọc bờ sông. Tuy nhiên, qua các đợt mưa lũ kè đá cũng bị dòng nước cuốn trôi, ông Nguyễn Thắm cho hay.
Ngoài ra, sạt lở còn cuốn trôi hàng ngàn mét đất sản xuất của người dân. Qua mỗi mùa mưa, nhiều diện tích đất cùng tài sản, hoa màu của người dân bị nước lũ cuốn trôi.
Chỉ tay về phía lòng sông, ông Nguyễn Tấn Thành cho biết, thửa ruộng 1.000m2 của gia đình ông đã bị "nuốt chửng". Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, ông e rằng nhiều diện tích đất canh tác, kể cả khu dân cư sẽ đối diện với nguy cơ bị xóa sổ.
Không những thế, tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Cây Bứa còn có nguy cơ xóa sổ gần 500m đường bê tông độc đạo nối liền các thôn khu Đông của xã Nghĩa Phương.
Theo khảo sát của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, khu vực sạt lở bờ sông Cây Bứa dài khoảng 950m, trong đó, có khoảng 500m bờ sông bị sạt lở nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, nhà ở của 29 hộ dân thôn Năng Tây 2, xã Nghĩa Phương và công trình hạ tầng trong khu vực.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tư Nghĩa Cao Thanh Tuyên cho biết, đối với các hộ dân đang sống trong khu vực bị sạt lở, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Phương chủ động kiểm tra, bố trí trước địa điểm di dời dân trong trường hợp cần thiết; cắm biển báo vùng có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động đề phòng và sơ tán kịp thời.
Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí để Ủy ban nhân dân huyện Tư Nghĩa đầu tư xây dựng công trình kè trong năm 2022, quy mô chiều dài khoảng 950m, kinh phí đầu tư 35 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay chủ yếu là quá trình đầu tư kè sẽ phải tái định cư một số hộ ở đầu tuyến, trong khi 35 tỷ đồng là kinh phí xây dựng, còn để tái định cư cần thêm khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra, công trình này không nằm trong danh mục đầu tư trung hạn 2021-2025 nên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang hoàn thiện thủ tục theo quy định, ông Cao Thanh Tuyên cho biết thêm./.