Môi trường

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong giảm phát thải

Giảm phát thải khí nhà kính đã được coi là một tiêu chí “bắt buộc” thay vì là “tự nguyện” để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và tồn tại trong các chuỗi cung ứng.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN

(TTXVN) Chiều 15/12, tại Hà Nội, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân phối hợp Quỹ châu Á tổ chức Hội thảo “Hành trình tới Net-Zero: Cơ hội hay thách thức?”.

Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được tổng thể các vấn đề về lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng xác định rõ bối cảnh, thách thức, cơ hội để có căn cứ xác lập các chiến lược kinh doanh liên quan, đặc biệt có chiến lược nâng cao năng lực phát triển theo xu thế “xanh hóa” và bền vững.

Sau Hội nghị COP 26 và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050 (Net-Zero), Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều hoạt động tích cực để “nội luật hóa” các quy định, trong đó có nhiều quy định liên quan trực diện tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các yêu cầu, diễn biến mới từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu… cũng cho thấy, giảm phát thải khí nhà kính đã được coi là một tiêu chí “bắt buộc” thay vì là “tự nguyện” để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và tồn tại trong các chuỗi cung ứng.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp được cung cấp những thông tin tổng quan về một hành trình và cuộc chạy đua giành lợi thế để thực hiện mục tiêu giảm phát thải đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu nhằm nhận diện cơ hội, thách thức với doanh nghiệp Việt Nam gồm: Mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (Net-zero) và động lực của các bên liên quan; chuyển động chính sách trong nước, quốc tế và các tác động trực diện đến doanh nghiệp Việt Nam; mức độ nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về chủ đề giảm phát thải; một số câu chuyện điển hình, gợi mở hướng đi cho doanh nghiệp.

Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết, nhiều chính phủ và các quốc gia (bao gồm các quốc gia lớn nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam) đã cam kết đưa mức phát thải khí nhà kính về "0" vào năm 2050. Do đó, các cơ chế, chính sách trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp đến tất cả doanh nghiệp Việt Nam. Điều này tạo ra các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp. Để giảm thách thức và tối đa cơ hội, các doanh nghiệp cần thay đổi theo hướng giảm phát thải, tăng cường các hoạt động hấp thụ khí nhà kính ngay từ bây giờ.

Theo các cam kết tại COP 26 và COP 27, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết Net-Zero. Trong đó, 8 quốc gia tự tuyên bố đã đạt được mục tiêu này; 16 quốc gia đã đưa Net-Zero vào luật, 59 quốc gia đưa vào chính sách (bao gồm Việt Nam), 21 quốc gia đã thể hiện Net-Zero dưới dạng tuyên bố hoặc cam kết, 72 quốc gia còn lại đang thảo luận...

Tại COP 26, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời kêu gọi công bằng và công lý trong ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đề ra mục tiêu loại bỏ điện than vào năm 2040, cam kết chấm dứt và đầy lùi nạn phá rừng vào năm 2030, cắt giảm 30 % lượng khí thải Methane so với mức của năm 2022.

Theo các chính sách của Việt Nam đã ban hành để thực hiện các cam kết trên, trong thời gian tới, nhiều lĩnh vực, cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính khi có các mức khí thải lớn là: nhà máy có mức phát thải hàng năm tương đương trên 3.000 tấn CO2; nhà máy có tổng lượng tiêu thụ điện năng mỗi năm trên 1.000 tấn dầu tương đương (TOE); công ty vận tải có mức tiêu thụ năng lượng mỗi năm trên 1.000 tấn TOE; tòa nhà hành chính, thương mại có mức tiêu thụ điện năng hằng năm trên 1.000 tấn TOE; các cơ sở chế biến chất thải mỗi năm trên 65.000 tấn TOE. 

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với các thách thức như: các cơ sở phát thải cao hoạt động nội địa sẽ phải thực hiện kiểm kê và bắt buộc thay đổi để đáp ứng các yêu cầu về hạn ngạch phát thải của Chính phủ trong tương lai. Các cơ sở phát thải cao có sản phẩm xuất khẩu như sắt, thép, xi măng, nhôm... bắt buộc phải thay đổi nếu muốn duy trì thị trường xuất khẩu trong tương lai.

Ngược lại, Net-Zero cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở có phát thải thấp, các nhà đầu tư cũng có thể có nguồn thu từ thị trường tín chỉ carbon.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định việc giảm phát thải là bắt buộc phải thực hiện trong tương lai, phải thay đổi công nghệ, phương thức quản lý, cách tiếp cận... Việc giảm phát thải tạo ra cơ hội mới cho một số doanh nghiệp nếu doanh nghiệp kịp thời thay đổi để tồn tại, phát triển phù hợp với xu thế, doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội, có nguồn thu mới từ tài chính carbon và các nguồn tài chính xanh.

Đánh giá về tác động của cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, đến doanh nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Hà Huy Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, nội dung của CBAM bao gồm: doanh nghiệp ngoài EU xuất khẩu hàng hóa có chứa khí thải CO2 trong quá trình sản xuất sẽ phải trả phí xả thải bằng với các doanh nghiệp tại EU. Doanh nghiệp ngoài EU không phải trả mức phí này tại EU nếu như họ đã trả khoản phí xả thải bằng với mức phí tại EU ở nước sở tại. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp ngoài EU chưa trả hoặc trả mức phí xả thải ở nước sở tại thấp hơn mức phí đang được áp dụng tại EU sẽ phải trả phần chênh lệch còn thiếu. 

Cơ chế này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, tuy nhiên thời kỳ từ 1/1/2023 đến 1/1/2026 được coi là thời kỳ quá độ, chưa phải nộp phí. Cơ chế CBAM sẽ chính thức được áp dụng từ 1/1/2026. Việc này tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thuộc phạm vi áp dụng CBAM có khả năng phải trả thêm các khoản phí xả thải. Do đó, các doanh nghiệp cần sớm nghiên cứu tiếp cận chính sách trong nước, quốc tế như WTO, EU... để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, đồng thời chuyển đổi công nghệ, phương thức sản xuất, xuất khẩu theo hướng xanh hơn, phù hợp với xu thế Net-Zero trên thế giới và Việt Nam./.


Hoàng Nam

Tin liên quan

Xem thêm