Năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2022 - 2030”.
TTXVN - Nhờ áp dụng linh hoạt các giải pháp kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị trường khách du lịch tiềm năng nên trong năm 2023, ngành du lịch Yên Bái đã phục hồi, bứt phá nhanh và đạt được những kết quả tích cực.
Năm 2023, toàn tỉnh ước đón 1,9 triệu lượt khách, bằng 126,7% kế hoạch; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.600 tỷ đồng, bằng 118,5 kế hoạch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình cho biết, tỉnh từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt nhằm tạo sức hút, nhất là đối với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương cũng được đẩy mạnh, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Yên Bái ngày một đông.
Tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện tại, phát triển sản phẩm mới có tính cạnh tranh; hạn chế sự trùng lặp với các địa phương trong khu vực, tạo ra tính hấp dẫn cao, xây dựng hình ảnh và thương hiệu riêng có của Yên Bái: "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.
Trong năm 2023, các biện pháp kích cầu, mở cửa lại hoạt động du lịch được tỉnh thực hiện đồng bộ, linh hoạt. Các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa thêm nhiều sản phẩm du lịch mới ấn tượng vào khai thác. Tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội, điểm nhấn đặc biệt ấn tượng để thu hút khách.
Nhiều hoạt động du lịch, lễ hội cũng đồng loạt diễn ra tại các địa phương trong tỉnh từ tháng 9 đến tháng 12 với những nét đặc trưng như: Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông; Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà huyện Yên Bình; chương trình du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Tà Xùa với rừng rêu huyền thoại, đỉnh Tà Chì Nhù với loài hoa chi pâu nở tím bạt ngàn của huyện Trạm Tấu; chương trình du lịch "Về miền đất Ngọc” lần thứ IV; các hoạt động du lịch "Mùa nước đổ”…
Các hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch được các địa phương trong tỉnh tổ chức thành công đã góp phần đưa Yên Bái trở thành điểm đến mới thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Nghệ thuật trình diễn khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đã tạo thêm những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng để ngày càng thu hút nhiều du khách đến với Yên Bái.
Năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2022 - 2030”; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, các đề án phát triển du lịch trên địa bàn, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng hình ảnh du lịch Yên Bái thân thiện, mến khách, bản sắc, hấp dẫn và phát triển bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế chung toàn tỉnh./.