Ngày 3/1, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025.
Ngày 3/1, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Hà Nam đề nghị, năm 2025, các cấp, ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền và triển khai văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, nêu gương và sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân của cán bộ, đảng viên trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Cấp ủy các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo hướng về cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định; thực hiện hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”; đôn đốc triển khai mô hình “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam cũng đề nghị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, công tác giám sát và phản biện xã hội đảm bảo thực chất, hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở; kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề người dân quan tâm, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Năm 2024, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hà Nam lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhận thức, trách nhiệm về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được nâng lên.
Việc thực hiện dân chủ được triển khai toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý, điều hành của chính quyền gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong năm, toàn tỉnh tổ chức 227 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, hội viên, nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức 86 cuộc giám sát và 125 hội nghị phản biện xã hội. Qua đó, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo đồng thuận xã hội./.
- Từ khóa:
- quy chế dân chủ
- đồng thuận xã hội
- Hà Nam