Nhằm xúc tiến thương mại, kích cầu du lịch, tỉnh Tiền Giang tổ chức họp mặt các doanh nghiệp du lịch với chủ đề “Tiền Giang - Nơi cuối nguồn Mekong”.
TTXVN - Nhằm xúc tiến thương mại gắn với kích cầu phát triển du lịch bền vững năm 2024 và các năm tiếp theo, ngày 11/1, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp mặt các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Tiền Giang - Nơi cuối nguồn Mekong” kết hợp trưng bày, triển lãm thành tựu phát triển du lịch địa phương. Sự kiện có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp lữ hành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang tìm cơ hội để kích cầu các tour, tuyến du lịch tại tỉnh Tiền Giang, kết nối du lịch các tỉnh khu vực sông Tiền, khu vực Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Nam sông Hậu trong tương lai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu, đây là nỗ lực của địa phương nhằm phát huy tốt tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nói riêng, du lịch nói chung, thiết thực đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, giúp giảm nghèo bền vững. Năm 2024, Tiền Giang tập trung đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường gắn với chuyển đổi số ngành Du lịch, nâng cao hiệu quả tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch, thu hút du khách.
Tỉnh mở rộng liên kết, hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tập trung khai thác lợi thế và tiềm năng điểm đến Tiền Giang hấp dẫn khách du lịch; triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long...
Cùng với xây dựng chương trình, kế hoạch phục hồi du lịch cụ thể, phù hợp, hiệu quả, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành cùng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực; đầu tư, nghiên cứu phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng tại địa phương hấp dẫn du khách gắn với tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trên lĩnh vực du lịch, hướng tới các thị trường du lịch và đối tượng du khách tiềm năng.
Gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn đang phát triển mạnh với hàng chục điểm du lịch ở khắp các địa bàn trọng điểm trong tỉnh. Điển hình như: Trung tâm Nuôi trồng dược liệu Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành; Trại dê sữa Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành)… đang là những điểm đến thu hút du khách trong ngoài nước. Nhìn chung, việc phát triển du lịch nông thôn ở Tiền Giang đang phát triển nhanh, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thu hút lao động việc làm, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Du khách đến Tiền Giang bị thu hút bởi những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp chất lượng phù hợp từng tiểu vùng, tạo dấu ấn và đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của nhiều đối tượng theo các yêu cầu khác nhau.
Tham gia trưng bày các sản phẩm đặc trưng được chế biến từ sữa dê do nông trại tự sản xuất đạt OCOP cấp tỉnh, tại buổi họp mặt, Giám đốc Hợp tác xã dê Tam Hiệp Lê Khắc Đông Nghi cho biết, hiện nông trại có hàng chục sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh phục vụ rộng rãi cho thị trường cũng như các du khách tham quan. Đến với Nông trại dê sữa Đông Nghi, du khách thích thú khi được chèo xuồng trên kênh rạch, tham quan quy trình nuôi dê sữa, cho dê ăn, dẫn dê đi dạo, thưởng thức sản phẩm sữa dê, tận hưởng không khí miền thôn dã cùng nhiều sinh hoạt vui chơi độc đáo và đặc sắc. Tuy mới hình thành và đi vào hoạt động chưa lâu nhưng Trại dê sữa Đông Nghi đang là điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn tại tỉnh Tiền Giang, được du khách trong ngoài nước tìm đến.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập đánh giá, buổi họp mặt doanh nghiệp du lịch kết hợp trưng bày, triển lãm các thành tựu du lịch, sản phẩm phục vụ du lịch đạt OCOP cấp tỉnh nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP nói chung, tạo thêm những điểm nhấn hấp dẫn du khách khi đến Tiền Giang, miền đất giàu bản sắc văn hóa, lịch sử nằm cuối nguồn sông Mekong. Địa phương đang nỗ lực phát huy các tiềm năng đất đai, lao động, đặc biệt là tiềm năng du lịch sông nước sông Tiền vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh vừa khai thác và bảo tồn Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Huyện kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang xây dựng kế hoạch, chính sách phù hợp phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Mặt khác, chủ động liên kết với doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh xây dựng tour, tuyến đưa khách du lịch đến với vùng Đồng Tháp Mười giàu bản sắc văn hóa đặc trưng. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền, định hướng người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông thôn vùng Đồng Tháp Mười.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu chia sẻ, buổi họp mặt doanh nghiệp du lịch chủ đề “Tiền Giang - Nơi cuối nguồn Mekong” là bước cụ thể hóa các chính sách thông thoáng, hấp dẫn mà lãnh đạo tỉnh đưa ra nhằm phục hồi và phát triển bền vững ngành Du lịch trong năm 2024. Tín hiệu vui là Tiền Giang ghi nhận lượng du khách tăng mạnh ngay từ ngày đầu năm, hứa hẹn ngành Du lịch khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2024.
Trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch, từ ngày 30/12/2023 đến ngày 1/1/2024, Tiền Giang đón gần 40.000 lượt du khách, tăng hơn gấp 2 so cùng kỳ năm trước; trong đó có 7.800 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt khoảng 22 tỷ đồng, công suất các phòng nghỉ đạt từ 65% đến 70%. Năm 2024, Tiền Giang phấn đấu thu hút 1,65 triệu lượt du khách, trong đó có 350.000 lượt khách quốc tế. Dự kiến doanh thu từ hoạt động du lịch trong năm đạt 1.250 tỷ đồng./.