Hội nhập

Tiếp tục đóng góp hiệu quả cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tính đến tháng 5/2024, Việt Nam đã triển khai được hơn 800 lượt quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có 114 đồng chí triển khai theo diện cá nhân. Tỷ lệ nữ quân nhân cũng rất cao, đạt 16,6%, được Liên hợp quốc ghi nhận, đã phát triển từ hình thức cá nhân lên hình thức đơn vị với biên chế Bệnh viện dã chiến cấp 2 gồm 63 thành viên và Đội Công binh gồm 184 thành viên.

Về sĩ quan triển khai theo diện cá nhân, lực lượng của Việt Nam tham gia ở rất nhiều vị trí, như sĩ quan cao cấp, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần, sĩ quan thông tin, sĩ quan quân - dân phối hợp. Chúng ta cũng cử được các sĩ quan tới làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, đều là những vị trí đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao… Những con số trên đã phần nào nói lên đóng góp và những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc – hành trình hơn 10 năm thực thi sứ mệnh nhân đạo quốc tế.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam xuất quân tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), lên đường thực hiện nhiệm vụ của LHQ tại Phái bộ UNISFA, ngày 8/8/2023.
Ảnh: TTXVN 

Trước yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Việt Nam tiếp tục duy trì các lực lượng tại địa bàn và cam kết tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Để thực hiện được mục tiêu này, theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 53-KL/TW, ngày 28/4/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW, ngày 26/2/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Nắm chắc mục tiêu, yêu cầu, phương hướng, lộ trình cụ thể trong “Đề án tổng thể Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo” để triển khai thực hiện; xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quân đội trong thời kỳ mới.

Đồng thời, thể hiện tính tích cực, chủ động, thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở các lĩnh vực Việt Nam có kinh nghiệm, thế mạnh, nhất là tại các quốc gia, khu vực đã có thỏa thuận hòa bình và quyết định của Liên hợp quốc, được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến tạo hòa bình, vì mục đích nhân đạo; không tham gia nhiệm vụ cưỡng chế và các hoạt động tác chiến; bảo đảm quyền độc lập chỉ huy lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia các phái bộ theo Bản ghi nhớ (MOU) với Cơ quan Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc về nhiệm vụ tại địa bàn.

Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nắm vững đường lối hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng của Đảng; mục tiêu, quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam trong quan hệ quốc tế trên cả bình diện song phương và đa phương.

Đối với các lực lượng trực tiếp tham gia, cần quán triệt, giáo dục có nhận thức sâu sắc và phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các lực lượng liên quân đa quốc gia; trang bị cho họ cơ sở lý luận, thực tiễn để tuyên truyền cho nhân dân nước sở tại hiểu rõ mục đích hoạt động của lực lượng “mũ nồi xanh” là phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị, thái độ trách nhiệm, không thiên vị, trung lập… trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với các điều khoản, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Đồng thời, thấy rõ tính chất khốc liệt, nguy hiểm, thậm chí rủi ro khi hoạt động tại các vùng dễ xảy ra xung đột nội bộ giữa các phe phái, tộc người của nước sở tại...; từ đó, xác định quyết tâm, vượt qua gian khổ, sẵn sàng hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Quá trình thực hiện cần vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục tập trung theo chương trình cơ bản với huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng riêng theo từng khóa, nhiệm kỳ công tác; giáo dục thông qua giao nhiệm vụ cho các bộ phận với tự quán triệt, giáo dục, tích lũy qua thực tiễn hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ theo từng lĩnh vực đảm nhiệm, lấy tự giáo dục là chính.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của cả quốc gia, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng, muốn phối hợp tốt, ngoài chủ trương, chính sách chung, Quân đội cần có sự chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với lực lượng Công an, các ban, bộ, ngành Trung ương trên cơ sở được Đảng, Nhà nước giao chủ trì hoạt động này.

Thời gian tới, để đóng góp hiệu quả vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cần tiếp tục phát huy vai trò của Tổ Công tác liên ngành; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với các ban, bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện hệ thống pháp luật về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tăng cường nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Chính phủ từng bước mở rộng lực lượng, địa bàn, vị trí tham gia, nhất là các vị trí chỉ huy, quản lý tại trụ sở Liên hợp quốc và các phái bộ mà Việt Nam có thế mạnh, tăng tỷ lệ nữ quân nhân; nghiên cứu xem xét triển khai lực lượng dân sự của các ban, bộ, ngành Trung ương tham gia hoạt động này, bảo đảm phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.../.

Tin liên quan

Xem thêm