Quân đội ta luôn coi trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng tạo nguồn, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hỗ trợ từ các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm với việc tự nghiên cứu, xây dựng và tổ chức huấn luyện.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là vinh dự, trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, vận dụng phương thức “hội nhập mềm”, tăng cường “sức mạnh mềm” quốc gia, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình.
Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từ những phân tích dự báo đúng về xu thế hội nhập quốc tế và để tạo tiền đề, động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Việt Nam đã chủ trương tích cực, chủ động tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng, công phu, lâu dài và có lộ trình phù hợp.
Một vấn đề quan trọng trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là Quân đội ta luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam. Theo đó, Việt Nam chỉ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình khi có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại các khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên liên quan; các hoạt động vì mục đích hòa bình, nhân đạo, tái thiết; không tham gia các nhiệm vụ cưỡng chế và hoạt động tác chiến; chỉ sử dụng vũ lực vì mục đích tự vệ chính đáng, trong trường hợp không còn biện pháp nào khác; mọi quyết định khi tham gia phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp công việc nội bộ của quốc gia khác.
Đồng thời, thực hiện phương châm bất kỳ ở cương vị, hoàn cảnh, lĩnh vực công tác nào, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam đều có trách nhiệm, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; qua đó, tạo lòng tin, sự đồng tình, ủng hộ của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, Quân đội ta luôn coi trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng tạo nguồn, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hỗ trợ từ các đối tác quốc tế có nhiều kinh nghiệm với việc tự nghiên cứu, xây dựng và tổ chức huấn luyện, tăng cường huấn luyện thực hành và diễn tập tổng hợp. Hiện nay, chúng ta không chỉ tự huấn luyện cho cá nhân và đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, mà còn có đủ uy tín, năng lực để tổ chức các khóa huấn luyện theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Việt Nam tiếp tục duy trì các lực lượng tại địa bàn và cam kết tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thông qua việc tăng cường cả về số lượng, chất lượng nhân sự và trang thiết bị, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện đất nước; đồng thời, tăng tỷ lệ nữ quân nhân trong lực lượng này.
Để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng, cao cả này, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu, trong đó ưu tiên hàng đầu là tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trên cơ sở tuân thủ chủ trương, đường lối, hiến pháp, pháp luật; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước.
Lựa chọn hình thức, quy mô, phái bộ, địa bàn..., tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phù hợp với đường lối của Đảng, lợi ích quốc gia - dân tộc, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, thể hiện tính tích cực, chủ động, thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở các lĩnh vực Việt Nam có kinh nghiệm, thế mạnh, nhất là tại các quốc gia, khu vực đã có thỏa thuận hòa bình và quyết định của Liên hợp quốc, được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ cao cả này; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Quân đội, Công an và các ban, bộ, ngành Trung ương khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; làm tốt công tác chuẩn bị, từ tổ chức lực lượng đến huấn luyện và công tác bảo đảm theo yêu cầu của Liên hợp quốc, phù hợp với điều kiện Việt Nam; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách; thường xuyên thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.../.