Hội nhập

Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ hoạt động hiệu quả

Hải Dương

Tổ chức phi chính phủ đã trở thành một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường sự hiểu biết về đất nước, con người, chính sách của Việt Nam.


Quang cảnh Hội nghị. 
Ảnh: Nguyễn Tiến Vĩnh-TTXVN

Ngày 27/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác phi chính phủ nước ngoài trong bối cảnh, tình hình quốc tế hiện nay.

Tại hội nghị, bà Phan Thanh Mỹ, Trưởng phòng Bắc Mỹ, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao đổi với đại biểu về các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài ở Việt Nam hiện nay; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; công tác quản lý, vận động, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện có 379 tổ chức phi chính phủ đang hoạt động; trong đó, Bắc Mỹ là 118 tổ chức, châu Âu 143 tổ chức, châu Á 118 tổ chức. Thống kê cho thấy, năm 2023, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới đã viện trợ Việt Nam 228,6 triệu USD; ở các lĩnh vực như: giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, y tế, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, xây dựng năng lực và hỗ trợ tư pháp... Trong đó, lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội chiếm nhiều nhất với 25%, tài nguyên và môi trường chiếm 21%.

Bà Phan Thanh Mỹ, Trưởng phòng Bắc Mỹ, Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao đổi với các đại biểu. 
Ảnh: Tiến Vĩnh – TTXVN

Bà Phan Thanh Mỹ cho biết, trước đây, các tổ chức phi chính phủ thường tài trợ trực tiếp tới các địa phương trong nước, tuy nhiên hiện nay có xu hướng tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ trong nước để thực hiện các chương trình, dự án ở Việt Nam. Thống kê cho thấy, các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại nước ta đều có pháp nhân, nguồn tiền hợp pháp, đảm bảo phi chính trị, phi tôn giáo và phi lợi nhuận. Những năm qua, các tổ chức phi chính phủ hoạt động theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tổ chức phi chính phủ đã trở thành một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường sự hiểu biết về đất nước, con người, chính sách của Việt Nam; đồng thời, đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái về Việt Nam trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân ở nhiều vùng trên cả nước.

Hằng năm, các đơn vị trong nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tổ chức phi chính phủ trong quản lý, vận động, phê duyệt, tiếp nhận và giám sát dự án, tuân thủ các điều kiện hoạt động tại Việt Nam. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ hoạt động hiệu quả ở nước ta.

Tại hội nghị, đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao đổi với các đại biểu về một số lưu ý khi phối hợp thực hiện các chương trình, dự án với các tổ chức phi chính phủ ở các địa phương hiện nay; những vấn đề đối tác Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ hay gặp; những hạn chế đối tác Việt Nam cần khắc phục để các hoạt động được hiệu quả hơn. Đồng thời, chỉ ra phương hướng vận động đối với các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam thời gian tới là tập trung vào từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng theo từng giai đoạn khác nhau. Trong đó, chú trọng vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, các đối tượng phụ nữ, trẻ em gái, người yếu thế, người già, người cô đơn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, các đại biểu đã hiểu rõ hơn về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác phi chính phủ nước ngoài để có thể khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Nguyễn Tiến Vĩnh

Tin liên quan

Xem thêm