Môi trường

Tìm giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại Bình Thuận

Bình Thuận

Những giải pháp xây kè được triển khai tại nhiều bãi biển xâm thực hiện nay cần đảm bảo mỹ quan bãi tắm, độ bền lâu dài và bảo vệ được các điểm du lịch.

Sáng 22/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tổ chức hội thảo “Giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh”. Tham dự có các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đại diện lãnh đạo các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. 
Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, có vị trí rất quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh có khoảng 20.288 km diện tích vùng biển nội thủy, có tuyến hàng hải nội địa và quốc tế đi qua, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Vùng biển và ven biển Bình Thuận có những bãi biển thoai thoải, cát trắng mịn, phong cảnh đẹp được đánh giá có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, trong đó phải kể đến Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với tác động phát triển kinh tế - xã hội của con người, tình trạng biển xâm thực, bị sạt lở ngày càng tăng, làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, các cơ sở hạ tầng và hoạt động kinh doanh của các cơ sở du lịch ven biển.

Ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng đã gây ra tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh rất nghiêm trọng. Từ năm 2010 đến nay, bờ biển Bình Thuận bị sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm kéo dài dọc theo 192 km. Có những nơi biển xâm thực sâu vào bờ gần 100 mét. Khu vực Hàm Tiến – Mũi Né so với đường bờ năm 2006, biển xâm thực từ 20m - 50m làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch và kinh tế xã hội của tỉnh. Để giảm thiệt hại do sạt lở bờ biển, trong thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nhiều công trình xây kè biển.

Một số mô hình công trình kè chống xâm thực bờ biển được trưng bày giới thiệu tại Hội thảo. 
Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù tỉnh đã huy động tối đa nguồn vốn nhưng việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển của tỉnh còn khá khiêm tốn. Toàn tỉnh đã xây dựng được 26,88 km kè biển, với 21,56 km kè kiên cố và 5,32 km kè tạm. Bên cạnh đó, các chủ cơ sở du lịch đã xây dựng 3,52 km kè các loại để bảo vệ các công trình du lịch. Trong 192 km bờ biển thuộc đất liền chỉ có 16,5 km (chiếm 8,6%) được làm kè kiên cố; hiện còn trên 25,9 km bờ biển bị sạt lở đang cần giải pháp công trình bảo vệ.

Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã thảo luận đưa ra nhiều giải pháp như: Xây kè mỏ hàn bằng đá xếp; kè áp bờ; kè bê tông; kè ống cát Geotube; kè bê tông cốt sợi BUSADCO… Theo các đại biểu, những giải pháp xây kè được triển khai tại nhiều bãi biển xâm thực hiện nay phải đảm bảo mỹ quan bãi tắm, độ bền lâu dài và bảo vệ được các điểm du lịch.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, các giải pháp công trình bảo vệ bờ biển, đặc biệt là tại các khu vực du lịch, ngoài việc thiếu vốn đầu tư thì còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nhất định như: một số kè mái nghiêng bê tông đầu tư trên (15-20) năm qua đã có dấu hiệu hư hỏng, cần phải tu sửa; tình trạng sạt lở tăng lên phía hạ lưu sau khi làm kè; tình trạng bãi biển ngày càng sâu hơn và không còn bãi cát… Bên cạnh đó, còn thiếu những tiêu chuẩn, hướng dẫn làm kè của Trung ương như: Tiêu chuẩn về vật liệu đá có trọng lượng lớn (từ 0,3 tấn đến 5 tấn), tiêu chuẩn về ống vải địa kỹ thuật (Geotube) sử dụng cho kết cấu bảo vệ bờ biển…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá cao các đề xuất giải pháp về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch. Tuy nhiên, việc triển khai là vấn đề hết sức phức tạp; yêu cầu đặt ra là phải vừa chống sạt lở, vừa giữ được bãi biển.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có hướng xử lý, khắc phục khoa học và mang tính căn cơ, lâu dài, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu và đưa ra giải pháp đầu tư cụ thể. Tỉnh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đại diện lãnh đạo các trường đại học, các viện nghiên cứu… đưa ra giải pháp bảo vệ bờ biển phù hợp. Qua đó giúp lãnh đạo UBND tỉnh có thêm thông tin hữu ích, đáng giá làm cơ sở phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh ngày càng hiệu quả./.

Văn Thanh

Xem thêm