Tổ chức tọa đàm liên kết phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, góp phần đưa du lịch các tỉnh trong vùng, nhóm liên kết phát triển nhanh và bền vững.
(TTXVN) Ngày 25/11, tại thành phố Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Tọa đàm liên kết phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.
Đây là cơ hội để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư, góp phần đưa du lịch các tỉnh trong vùng, nhóm liên kết phát triển nhanh và bền vững.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, tỉnh có nhiều thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch. Tỉnh tập trung xây dựng và khai thác bốn sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa - tâm linh; Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; Du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); Du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, Bắc Giang hiện xác định phát triển với ba loại hình chủ đạo là: Du lịch cộng đồng, Du lịch canh nông và Du lịch sinh thái, phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện hiện có gần 28 nghìn ha cây ăn quả các loại, là một trong những vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc. Vì vậy, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn rất lớn. Huyện dành nguồn lực, chú trọng xây dựng vùng cây ăn quả mang đặc trưng, xứng tầm với thương hiệu vựa trái cây miền Bắc. Với lợi thế về khí hậu và địa hình, Lục Ngạn xác định, cây có múi là cây phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đó, đến nay, cây cam, bưởi và các loại cây có múi trên địa bàn đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu.
Các đại biểu cho rằng, du lịch Bắc Giang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quá trình triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các dự án, loại hình dịch vụ du lịch chất lượng, các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm phục vụ du lịch còn hạn chế; chưa có nhiều phương tiện vận chuyển đưa đón khách du lịch đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính biểu trưng, độc đáo, hấp dẫn của tỉnh... dẫn đến việc làm ảnh hưởng đến cơ cấu, loại hình sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.
Hằng năm, lượng khách du lịch đến địa bàn tăng tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ du lịch đóng góp cho xã hội còn thấp. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn có quy mô nhỏ, thiếu vốn, hạn chế về nguồn nhân lực nên chưa chủ động, quan tâm khai thác các sản phẩm du lịch tiêu biểu tỉnh. Việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng chuyển biến chậm...
Theo bà Vũ Giang Biên, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc PATTOUR, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở huyện Lục Ngạn rất lớn. Vì vậy, chính quyền, ngành, đơn vị chức năng cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết, giới thiệu sản phẩm du lịch với các tỉnh, thành phố, nhất là khu vực Đông Bắc. Các điểm du lịch miệt vườn cần "thổi hồn văn hóa" vào các hoạt động du lịch, như giới thiệu sản phẩm, văn hóa ẩm thực, nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo, đặc sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương nên có những sản phẩm sơ chế từ trái cây để làm quà bán cho du khách...
Để khai thác tiềm năng du lịch nông thôn, một số ý kiến đề nghị Bắc Giang cần quan tâm đào tạo kỹ năng làm du lịch cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn để họ tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan ấn tượng du khách; quy hoạch các trung tâm mua sắm...
Các đơn vị đầu tư về du lịch của tỉnh cần có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch homestay (lưu trú tại cộng đồng) để khách trải nghiệm, ở lại Bắc Giang lâu hơn; thành lập mô hình câu lạc bộ du lịch miệt vườn; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, liên kết, giúp nhau làm du lịch./.