Cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa” của tác giả Phạm Việt Long là một tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu.
Ngày 1/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phối hợp cùng Nhà xuất bản Dân trí ra mắt cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa” của tác giả Phạm Việt Long. Đây là một tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu - một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt.
Tác giả Phạm Việt Long chia sẻ, từ góc nhìn văn hóa, nghiên cứu này tìm hiểu sâu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt gồm khái niệm, nguồn gốc, đặc điểm, hình thức, nội dung, ý nghĩa và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội, văn hóa tâm linh và nhận thức của cộng đồng. Nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp để bảo vệ, phát huy và lan truyền tín ngưỡng thờ Mẫu trong thời đại hiện nay...
Trong cuốn sách, tác giả Phạm Việt Long không chỉ là một nhà nghiên cứu, mà còn là người kể chuyện, người lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu. Trong từng chương, tác giả đã phản ánh vẻ đẹp của các nghi lễ, nêu lên tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng này trong cuộc sống hiện đại. Sự ghi nhận của UNESCO với Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng của tín ngưỡng qua nhiều thế hệ…
Tác giả đã phân tích cách thức mà tín ngưỡng thờ Mẫu được thể hiện qua các nghi lễ và lễ hội, mô tả chi tiết các bước thực hành nghi lễ hầu đồng, giải thích ý nghĩa của từng bài văn, điệu múa và trang phục… Tác giả cũng nhấn mạnh vai trò của các đền, phủ, miếu và người thực hành - nhân tố giữ lửa cho tín ngưỡng này cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hành. Từ tầm nhìn văn hóa sâu rộng, tác giả khám phá bản chất và ý nghĩa tâm linh sâu sắc của tín ngưỡng này. Cũng qua hành trình nghiên cứu, tác giả đã đưa ra những phân tích chi tiết về sự tiếp biến và phát triển của tín ngưỡng, từ nguồn gốc cổ đại đến sự tương tác với các tôn giáo khác như Phật giáo và Đạo giáo, làm nổi bật sự đa dạng, phong phú của văn hóa dân gian có tính thiêng.
Cuốn sách kết thúc bằng lời kêu gọi mỗi cá nhân, cộng đồng cùng nỗ lực bảo tồn góp phần mở ra những hướng nghiên cứu mới, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy di sản…
Theo đánh giá của giới chuyên môn, tác giả cuốn sách - Tiến sỹ Phạm Việt Long đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, tìm hiểu về các khía cạnh lịch sử, văn hóa và xã hội của tín ngưỡng này, mang đến cho độc giả cái nhìn toàn diện, chi tiết về một di sản văn hóa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Cuốn sách không chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học, mà còn là tấm lòng của tác giả dành cho tín ngưỡng thờ Mẫu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia: Chỉ người nào thực sự tâm huyết và yêu quý văn hóa dân gian cũng như tín ngưỡng thờ Mẫu mới dấn thân nghiên cứu một chuyên đề khá phức tạp như cuốn sách này. Đây không chỉ là tài liệu khoa học quý giá mà còn là một hành trình khám phá văn hóa sâu sắc, giúp độc giả hiểu rõ hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu - một Di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, cuốn sách còn tích hợp công nghệ hiện đại với các mã QR, cho phép độc giả quét và truy cập vào nhiều tài liệu video liên quan đến nội dung từng chương, mang đến trải nghiệm sinh động, tương tác trực tiếp cho người đọc./.