Bí thư Tỉnh ủy Nam Định ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, tích cực của cấp ủy, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Sau sắp xếp, các đơn vị phải bảo đảm bộ máy mới tốt hơn bộ máy cũ và phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân. Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn tại Hội nghị mở rộng lần thứ 40 xin ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh Nam Định do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức ngày 8/2.
Ông Đặng Khánh Toàn ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, tích cực của cấp ủy, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh. Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp tổ chức bộ máy căn cứ vào nội dung của Đề án phải phát huy tính chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Các đơn vị được thành lập mới, đơn vị kết thúc hoạt động và đơn vị thuộc diện sắp xếp, chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ khẩn trương thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài liệu, hồ sơ, nhân sự, tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, con dấu và các nội dung có liên quan theo quy định. Các đơn vị chủ động nghiên cứu, đề xuất, xây dựng quy định, quy chế làm việc tạm thời trong thời gian chờ hướng dẫn, quy định của cấp trên.
Từng cán bộ, công chức, đảng viên và toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh tiếp tục phát huy đoàn kết, thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao, dũng cảm hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung để quyết tâm thực hiện hiệu quả cao nhất nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh Nam Định được thực hiện thận trọng, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn trước.
Cụ thể đối với khối Đảng: Hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy, tên gọi sau hợp nhất là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; sau hợp nhất giảm 2/8 phòng (giảm 25%). Đối với Báo Nam Định và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục nghiên cứu mô hình hợp nhất, sẽ thực hiện khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.
Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Chuyển Đảng bộ Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định trực thuộc Tỉnh ủy thành Đảng bộ cơ sở về trực thuộc Thành ủy Nam Định. Kết thúc hoạt động các Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng cấp tỉnh (HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh; các Ban Cán sự đảng: UBND tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh) và chuyển chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức này về Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh và Đảng bộ UBND tỉnh.
Thành lập Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy gồm: Các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh và tổ chức đảng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Đảng ủy, các tổ chức chính trị - xã hội khối cơ quan Đảng tỉnh.
Thành lập Đảng bộ UBND tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy gồm: Các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, các doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan Trung ương đóng tại địa phương và tổ chức đảng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Đảng ủy và các tổ chức chính trị - xã hội Khối cơ quan UBND tỉnh.
Đối với Khối chính quyền dự kiến sau khi sắp xếp còn 12 sở, ngành, giảm 5 sở, ngành. Trong đó hợp nhất 10 sở gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính (tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Tài chính); Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng (tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Xây dựng); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường (tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường); Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ (tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Khoa học và Công nghệ); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ (tên gọi sau hợp nhất dự kiến là Sở Nội vụ). Sau hợp nhất, các sở đều giảm từ 25-36,6% các phòng chức năng. Đồng thời, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với 5 sở...
Các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu Đề án trình tại hội nghị và thống nhất cao với nội dung của Đề án.
Tại hội nghị đã trao Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định cho Đảng bộ huyện Giao Thủy và Đảng bộ Công an tỉnh đạt tiêu chuẩn "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" tiêu biểu năm 2024./.