Những tình cảm hồn nhiên, trong sáng của học sinh cũng như sự quý mến của phụ huynh đã tạo động lực, sức mạnh, sự kiên trì bền bỉ cho nhiều nhà giáo gắn bó với nghề.
Trong bối cảnh xã hội vận động, phát triển không ngừng, phụ huynh, người học ngày càng đòi hỏi nhiều hơn với đội ngũ giáo viên. Song, dẫu có vất vả, gian truân, đối diện với nhiều áp lực của đổi mới giáo dục thì nghề giáo cũng mang lại những trải nghiệm, hạnh phúc mà những ngành nghề khác không có. Hạnh phúc của người thầy không phải là những gì lớn lao mà từ chính những điều giản đơn trong cuộc sống với học trò và với công việc mình yêu thích.
* Bó hoa rừng đưa cô giáo gắn bó với học sinh vùng cao
Cô Nguyễn Thị Chuyên, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (Điện Biên) là một trong những giáo viên vừa được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, với 16 năm gắn bó với giáo dục vùng cao.
Khi được hỏi về động lực để cô gắn bó với những học sinh vùng khó khăn lâu như vậy, cô xúc động chia sẻ: "Trong suốt những năm tháng công tác, tôi có rất nhiều kỷ niệm vui, buồn, nhưng có lẽ động lực để tiếp tục theo nghề cũng như kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi mới bước chân vào nghề, vào ngày 20/11/2007, tôi được phân công giảng dạy tại một điểm trường lẻ cách trung tâm trường chính 10km. Ngày đó, đường đi lại khó khăn, chúng tôi đều ở tại nhà của bà con trong bản. Sáng hôm ấy, trời mưa tầm tã, khi các thầy cô giáo còn đang ngủ đã có tiếng phụ huynh gọi cửa bảo đem quà tặng cho thầy cô. Tôi thật sự bất ngờ xen lẫn chút ngạc nhiên.
Đặc biệt, khi mở cửa ra, một em học sinh cầm bó hoa rừng ở giữa còn cài một bông hoa chuối rừng đỏ thắm và nói: "Em tặng cô, đây là bó hoa em đã chuẩn bị từ chiều hôm trước đó ạ". Đây là bó hoa đầu tiên được tặng trong đời làm nghề dạy học và đó là bó hoa để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Đến giờ, cậu học trò nhỏ đó đã trở thành đồng nghiệp của tôi. Nhiều lúc ngồi ôn lại kỉ niệm, tôi vẫn đùa rằng, 20/11 năm nay phải đi chọn một bó hoa đẹp như bó hoa ngày ấy tặng cô nhé".
Cô Chuyên tâm sự: Chính những tình cảm hồn nhiên, trong sáng của học sinh cũng như sự quý mến của phụ huynh đã tạo động lực, sức mạnh, sự kiên trì bền bỉ để cô quyết tâm gắn bó với nghề.
Cũng kể về một kỷ niệm thầy - trò đáng nhớ, cô Lê Thị Thu Hường, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Lê Hồng Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: Ngày mới ra trường, cô được phân công chủ nhiệm lớp 10. Trong lớp, có một cậu học trò khá thông minh nhưng rất nghịch, thường xuyên đi học muộn, hay làm trò trêu đùa các bạn. Cậu thường xuyên bị ghi vào sổ đầu bài và làm trừ điểm thi đua của lớp. Cô đã dùng mọi biện pháp cả cứng rắn cả mềm mỏng, nhưng không thay đổi được nhiều.
Ba năm học cũng qua nhanh, ngày bế giảng cuối năm, cả lớp ngỡ ngàng khi biết tin cậu học sinh ấy không thi tốt nghiệp mà đi lính. Với sức học của cậu ấy thừa sức để thi đỗ tốt nghiệp nhưng không một ai biết lí do vì sao em lại bỏ thi. Rồi câu chuyện cũng dần bị lãng quên.
Một buổi chiều đầu đông đúng vào ngày 20/11, có một người mặc quân phục đến gõ cửa nhà cô Hường, trên tay cầm nhánh lan rừng, nét mặt rắn rỏi. Cô chưa kịp phản ứng gì thì cậu đã lên tiếng: “Em chào cô, em là Quân - học sinh cá biệt của cô đây. Nhân ngày 20/11, em về thăm cô, tặng cô nhánh lan rừng ạ. Em vẫn còn nhớ đây là loài hoa mà cô thích nhất!”.
Cô Hường tâm sự: "Cả ngày hôm đó, trong tôi thật nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn và thương cậu học trò kia. Sau này tôi mới biết, ngày ấy em lựa chọn không thi tốt nghiệp cũng bởi hoàn cảnh gia đình, tôi lại càng thương em nhiều hơn và cũng tự trách bản thân mình thật nhiều. Ánh mắt của cậu học trò cứ ám ảnh tôi mãi… Hai mươi năm trong nghề, tôi đã trở thành một người đồng hành không chỉ với học sinh, mà còn với chính ước mơ từ ngày trẻ của mình. Như những nhánh hoa lan rừng mộc mạc mà học trò trao tặng, tôi thấy mình vững vàng hơn. Những kỷ niệm và nghĩa tình này sẽ mãi là nguồn động lực, là niềm tự hào, tiếp sức cho tôi trên chặng đường nghề giáo phía trước…”.
* Vượt suối, băng rừng đến với học trò
Cô giáo Trần Thị Kiều Oanh, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), qua 15 năm đứng lớp đều gắn bó với những điểm trường xa xôi, cách trở ở 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, đường giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa bão chia cắt.
Mùa mưa lũ năm 2023, hình ảnh về nhóm giáo viên của cô Oanh vượt suối dữ để đến điểm trường Cát Trỉa, xã Hướng Sơn lan tỏa trên mạng xã hội đều khiến mọi người cảm phục.
Cô Trần Thị Kiều Oanh chia sẻ: “Từ khi ra trường, tôi rời xa người thân đến vùng miền núi công tác. Dù đối mặt với những khó khăn không thể diễn tả, nhưng đến đây mới thấy cuộc sống học sinh vất vả muôn phần. Qua năm tháng, tình thương yêu học sinh cứ lớn dần, lúc thấy gắn bó lại không muốn về. Nhiều lúc đối mặt với vất vả, tôi cũng có chút chùn bước. Nhưng nghĩ đến cảnh học sinh đang ngóng đợi thầy cô, khiến chúng tôi có động lực, quyết tâm vượt qua để đến lớp".
Cô Oanh tâm sự: "Hầu hết học sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Gắn bó với học sinh, chúng tôi cũng xem các em như con, như em của mình để tìm đủ mọi cách giúp đỡ trong chặng đường học tập. Nhưng tôi luôn mong muốn cộng đồng xã hội quan tâm để học sinh miền núi bớt khó khăn hơn".
Trong rất nhiều các hoạt động hỗ trợ học tập hướng về học sinh vùng sâu, vùng xa, để hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tiếp cận và nâng cao năng lực tiếng Anh, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Liên cấp Marie Curie Hà Nội đã khởi xướng thực hiện chương trình dạy tiếng Anh online cho học sinh, giúp huyện biên giới vùng cao này giải quyết khó khăn về việc thiếu giáo viên khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa môn tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc với học sinh từ lớp 3.
Là giáo viên hỗ trợ dạy miễn phí môn Tiếng Anh cho học sinh Trường Tiểu học Giàng Chu Phìn, Trường Tiểu học Pà Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cô Đặng Thị Linh, giáo viên dạy tiếng Anh Trường Marie Curie cho biết: "Đây là dự án hết sức ý nghĩa trong sự nghiệp giáo dục của tôi. Thật hạnh phúc khi chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của học sinh trong quá trình học. Các em từ buổi đầu rất nhút nhát, sau đó đã mạnh dạn, tự tin tương tác với cô và hào hứng tham gia các hoạt động do thầy cô tổ chức. Sau khi đến trường gặp gỡ các con trực tiếp, tôi vô cùng xúc động. Khi biết được gặp cô, các con đã chuẩn bị những bó hoa rừng rực rỡ, viết những lá thư tay trao đến cô. Với tôi, đó là món quà vô cùng quý giá".
Cô Linh bày tỏ: "Được tham gia dự án dạy tiếng Anh miễn phí là may mắn vô cùng lớn với tôi. Dù điều kiện học tập, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các em có sự hiếu học rất lớn. Điều đó cho tôi thêm niềm tin, động lực để nỗ lực hơn nữa làm tốt nhất công việc của mình".
Những câu chuyện đẹp, bình dị về tình thầy trò thiêng liêng, gắn bó vẫn đang hàng ngày, hàng giờ được viết lên ở mỗi ngôi trường trên khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tình cảm ấy là động lực để mỗi thầy cô giáo thêm tin yêu, gắn bó với nghề; để mỗi học sinh được truyền lửa, vun đắp ước mơ và vững bước đến tương lai./.
- Từ khóa:
- tình thầy trò
- nhà giáo Việt Nam
- 20/11