Những người làm công tác thông tin cơ sở dù phải kiêm nhiệm nhiều việc, hoạt động không chuyên trách, chế độ phụ cấp, thù lao còn hạn hẹp, nhưng họ không quản ngại khó khăn, vất vả, say mê với công việc, để làm tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong hoạt động thông tin cơ sở do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã diễn ra sáng 8/10, tại Hà Nội.
Đây là năm đầu tiên hội nghị được tổ chức nhằm biểu dương, tôn vinh kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thông tin cơ sở; động viên, khích lệ, tạo diễn đàn để người làm công tác thông tin cơ sở giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo.
Với lợi thế gần dân, sát dân, những người làm công tác thông tin cơ sở đã phát huy thế mạnh mà không một kênh truyền thông nào có được, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, số lượng người dân được tiếp cận thông tin lên tới khoảng 70 - 80 triệu người. Hiện, cả nước có 10.033 đài truyền thanh cấp xã, đạt 95%; 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đạt 94,5%; 701 trang thông tin điện tử công cộng cấp huyện; 8.471 trang thông tin điện tử cấp xã; 870 bảng tin điện tử công cộng cấp huyện; 1.956 bảng tin điện tử công cộng cấp xã; hơn 200.000 tuyên truyền viên cơ sở.
Trong số 120 tập thể, cá nhân được vinh danh, có 10 tập thể Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh; 48 tập thể Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện; 62 cá nhân là những tuyên truyền viên cơ sở, người phụ trách Đài truyền thanh cấp xã.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Thông tin cơ sở là hoạt động truyền thông đặc sắc riêng có của Việt Nam, là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, sử dụng các loại hình thông tin từ đơn giản như tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, đến các loại hình thông tin hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng để phổ biến, cung cấp thông tin sát với nhu cầu của người dân ở từng thôn, bản, tổ dân phố, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Thông tin cơ sở khác với báo chí, gần dân hơn, dùng người nhiều hơn, là một lực lượng quan trọng, không kém báo chí nhưng họ ở tuyến cuối của hoạt động truyền thông. Đây là lực lượng tạo nên sức mạnh bởi sự linh hoạt, khả năng thích ứng trong mọi tình huống.
Thực tế cho thấy trong các đợt phòng, chống đại dịch COVID-19 và gần đây là cơn bão số 3 (Yagi), những người làm công tác thông tin cơ sở đã không quản ngày đêm khó khăn, vất vả, bằng tiếng nói của người địa phương mộc mạc, gần gũi trên hệ thống truyền thanh, đã truyền đi những thông điệp về phòng, chống dịch bệnh, thông tin khẩn cấp về bão, lũ, ngập lụt. Họ đã lặn lội "đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người" theo phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" để tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân, cùng tham gia với chính quyền giải quyết nhiều vấn đề dân sinh ở cơ sở. Những người làm công tác thông tin cơ sở mặc dù phải kiêm nhiệm nhiều việc, hoạt động không chuyên trách, chế độ phụ cấp, thù lao còn hạn hẹp, nhưng với lòng nhiệt huyết, họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, say mê với công việc, để làm tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của truyền thông nhưng mọi thứ dù có hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được con người. Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ cho thông tin cơ sở phát triển nhanh hơn, nhưng AI không thể truyền được cảm hứng, không thể nói thay được giọng nói mộc mạc, giàu cảm xúc của các bộ thông tin cơ sở khi tuyên truyền, vận động người dân. 120 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm nghìn người làm công tác thông tin cơ sở trên khắp các vùng, miền của đất nước. Những điển hình tiên tiến dù là tập thể hay cá nhân, lứa tuổi khác nhau, công việc khác nhau nhưng tất cả đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với công việc, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng được cống hiến vì cộng đồng, vì đất nước.
Còn rất nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu đang ngày đêm tận tụy đóng góp công sức, trí tuệ cho hoạt động thông tin cơ sở, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân và cộng đồng, dù họ không có mặt tại hội nghị hôm nay, nhưng họ xứng đáng được biểu dương, tôn vinh vì những đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, vận hội, song cũng xuất hiện không ít khó khăn, thách thức để tiến vào "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ngành Thông tin và Truyền thông có sứ mệnh lớn lao tạo ra đôi cánh cho Việt Nam bay lên, với một bên là sức mạnh vật chất được tạo nên bởi công nghệ, chủ yếu là công nghệ số và một bên là sức mạnh tinh thần - báo chí, truyền thông, có vai trò quan trọng của thông tin cơ sở để khơi dậy khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng, tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; Nghị định số 49/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở.
Đồng thời, những người làm công tác thông tin cơ sở trong cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng, cho đất nước, để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thấy được vai trò, đóng góp thực sự của thông tin cơ sở vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, dành nguồn lực và những điều kiện thuận lợi cho thông tin cơ sở phát triển.
Tại hội nghị, anh Sùng A Tủa, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Phình Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái, là một Tiktoker nổi tiếng chia sẻ về nỗ lực cùng với các bạn trẻ ở địa phương quảng bá hình ảnh quê hương với hy vọng đưa thêm nhiều du khách tới với Trạm Tấu. Chị Trần Thị Kim Quyên, Bí thư Chi bộ thôn Hà Lệt, tuyên truyền viên cơ sở xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ số thông minh vào hệ thống đài truyền thanh giúp công tác thông tin cơ sở được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả hơn. Ông Võ Văn Tèo, người hoạt động không chuyên trách, phụ trách Đài Truyền thanh xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang chia sẻ về những kỷ niệm trong suốt 45 năm gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở.../.