Các đại biểu được hướng dẫn một số giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; sử dụng trang thiết bị ứng phó và xử lý khi có tình huống, sự cố xảy ra.
Sáng 9/8, tại thành phố Đà Nẵng, Binh chủng Hóa học, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị Tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó sự cố hóa chất độc hại, phóng xạ, chất thải, môi trường có tính liên ngành, liên vùng. Đây là sự kiện để thực hiện Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030 của Chính phủ.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 80 đại biểu, đại diện các sở, ban, ngành địa phương; lực lượng Hóa học Quân khu 5; Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng; các Trung tâm Ứng phó sự cố hóa chất độc, sinh học, phóng xạ, hạt nhân khu vực miền Trung. Cùng với đó còn có lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự quận, huyện, xã, phường và một số doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng hóa chất độc, chất thải, nguồn phóng xạ ở Đà Nẵng...
Tại hội nghị, các đại biểu được chia sẻ thông tin về thực trạng và nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất độc, phóng xạ, chất thải, môi trường có tính liên ngành, liên vùng; năng lực, hệ thống tổ chức ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia hiện nay và Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030. Các đại biểu được hướng dẫn một số giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; sử dụng trang thiết bị ứng phó và xử lý khi có tình huống, sự cố xảy ra.
Theo Đại tá Vũ Văn Dâng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học, sự cố môi trường có thể xảy ra không chỉ ở quy mô một tỉnh, một cơ quan, mà có thể ở quy mô quốc gia. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác ứng phó, khắc phục sự cố. Thực tế, những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có sự cố môi trường biển liên vùng tại 4 tỉnh miền Trung liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (năm 2016); sự cố cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Hà Nội (năm 2019)... Những sự cố này mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng đã làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị.
Ngoài ra, do hậu quả của chiến tranh, một số khu vực còn tồn dư chất độc da cam/dioxin đã được xử lý, làm sạch, như khu vực sân bay Đà Nẵng (đã hoàn thành xử lý vào năm 2019); sân bay A So thuộc huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế (đã được Binh chủng Hóa học xử lý triệt để vào năm 2023). Binh chủng Hóa học cũng xử lý xong 90 tấn bom, đạn chứa chất độc tại khu vực Hồ Khe Lời (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế); đang điều tra, khảo sát, lập phương án xử lý triệt để đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định).
Hội nghị giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quát, đầy đủ hơn về nguy cơ và năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường có tính liên ngành, liên vùng và đặc biệt là ở Đà Nẵng. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động của các tổ chức, cá nhân trong việc đề phòng, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường; giúp tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn môi trường, sức khỏe cộng đồng, hướng tới một môi trường sống an toàn và bền vững cho thế hệ tương lai./.
- Từ khóa:
- Trang bị
- kỹ năng
- ứng phó
- sự cố
- hóa chất độc
- phóng xạ
- môi trường