Chấm dứt tình trạng lao động trẻ em làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Đây cũng là thông điệp của Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2023 “Công bằng xã hội cho tất cả mọi người. Hãy chấm dứt lao động trẻ em”.
TTXVN - Nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (24/5), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau tổ chức diễn đàn truyền thông “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong công nhân lao động và con em công nhân”. Tham dự có hơn 200 cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động và con em công nhân đến từ các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban Tổ chức, ước tính trên toàn cầu hiện nay có 160 triệu lao động trẻ em; trong đó khoảng 79 triệu trẻ đang phải làm các công việc nặng nhọc, độc hại.
Bà Hoàng Thị Tố Linh, Điều phối viên của Dự án về lao động trẻ em của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO nhấn mạnh, cần có thêm nhiều hành động khẩn cấp hơn nữa nhằm cải thiện an toàn lao động và sức khỏe tại nơi làm việc cho người lao động trẻ, chấm dứt lao động trẻ em phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Thông qua diễn đàn, mọi người cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo cho các em một môi trường phát triển tốt nhất, giúp các em có thể phát huy tối đa những phẩm chất, năng lực, sở trường để đóng góp cho gia đình và xã hội...
Các chuyên gia đã chia sẻ, trao đổi nhiều vấn đề về thực trạng và tác hại của lao động trẻ em, trách nhiệm của xã hội, tổ chức Công đoàn, người sử dụng lao động đối với việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; đồng thời đi sâu phân tích các khái niệm cũng như phổ biến các quy định của pháp luật để người sử dụng lao động, người lao động có thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo cho trẻ môi trường phát triển tốt nhất…
Bà Trần Thu Phương, Phó ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, chấm dứt tình trạng lao động trẻ em làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại và cải thiện an toàn, sức khỏe cho người lao động trẻ sẽ giúp cho thế hệ tương lai có thu nhập công bằng, có khả năng đóng góp vào công bằng xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế. “Điều này không chỉ cải thiện sự an toàn và sức khỏe của chính bản thân người lao động, mà còn giúp bảo đảm cuộc sống cho gia đình", qua đó tiến tới ngăn ngừa lao động trẻ em một cách thật sự hiệu quả.
Thời gian tới, tổ chức Công đoàn sẽ có thêm nhiều hành động thiết thực nhằm cải thiện an toàn lao động và sức khỏe tại nơi làm việc cho người lao động trẻ; đồng thời quyết tâm chấm dứt tình trạng lao động trẻ em phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Đây cũng là thông điệp của Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2023 “Công bằng xã hội cho tất cả mọi người. Hãy chấm dứt lao động trẻ em”./.