Văn hóa

“Trê Cóc tranh con” đưa thiếu nhi Hải Phòng đến gần hơn với nghệ thuật múa rối

Hải Phòng

Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng công diễn vở múa rối “Trê Cóc tranh con” dành tặng các khán giả nhí nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Cảnh xét xử tranh con trong vở kịch.
Ảnh: Minh Thu - TTXVN

Tối 25/5, tại Nhà hát Sông Cấm (Hải Phòng), Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng công diễn vở múa rối “Trê Cóc tranh con”. Đây là hoạt động ý nghĩa của ngành văn hóa thể thao Hải Phòng dành tặng các khán giả nhí nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Vở “Trê Cóc tranh con" do Tiến sĩ Trần Đình Ngôn là tác giả và Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Xuân Thấm chuyển thể thành kịch bản múa rối. Vở diễn có nội dung phê phán lòng tham, sự ích kỷ. Trong vở diễn, vua ban sắc lệnh luật đầm ao, đếm cá chia ao. Vợ chồng nhà cá trê không có con nên sợ không có phần khi chia ao nên đã lừa để lấy đàn nòng nọc của chị cóc để có thêm nhân khẩu nhận phần. Khi mất con, họ nhà cóc đã giúp chị cóc đi kiện và đòi lại được con còn nhà cá trê thì bị trừng phạt thích đáng.

Vở diễn do Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam là đạo diễn; Nghệ sĩ Nhân dân La Viết Sinh là họa sỹ sáng tác maket nhân vật rối; Nghệ sĩ Ưu tú Thế Khiển là họa sỹ thể hiện nhân vật rối... Diễn viên tham gia vở diễn đến từ Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật trên địa bàn thành phố.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng cho biết, vở diễn sử dụng nhiều thể loại múa rối như rối nước, rối cạn, rối dây với tạo hình sinh động, hấp dẫn kết hợp với hệ thống âm thanh, ánh sáng và sân khấu kỳ ảo. Vở diễn như một bản hòa ca đầy màu sắc, mang tới cho các khán giả một trải nghiệm nghệ thuật đầy lôi cuốn, đồng thời truyền tải thông điệp cái gì không phải của mình thì không nhận, làm việc xấu sẽ nhận hậu quả không tốt.

Tập thể diễn viên tham gia vở diễn.
Ảnh: Minh Thu - TTXVN

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, ê-kíp thực hiện vở diễn gồm nhiều nghệ sĩ tên tuổi, cùng với lòng say mê, yêu nghề của các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, vở diễn mang tới nhiều bài học sâu sắc, lan tỏa giá trị nhân văn tới khán giả trẻ của thành phố Hải Phòng.

Là một khán giả, em Trần Đức Trung, học sinh Trường Trung học Cơ sở Võ Thị Sáu, quận Lê Chân, Hải Phòng cho biết, đây là lần đầu tiên em được xem một vở rối trong Nhà hát. Em thích thú và ấn tượng với tạo hình nhân vật, âm thanh, ánh sáng và một sân khấu lung linh, rất khác biệt so với xem biểu diễn ngoài trời. Người xem bị cuốn theo từng hoạt cảnh và phản ứng của nhân vật nên thông điệp của vở diễn tác động đến người xem rất tự nhiên./.

 

Nguyễn Thị Minh Thu

Xem thêm