Phát huy trách nhiệm người đứng đầu, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
TTXVN - Nhìn vào cuốn lịch 2023 và lịch nghỉ Tết Dương lịch, Âm lịch được lãnh đạo Chính phủ đồng ý, chắc hẳn nhiều người thấy rất vui sau một năm làm việc vất vả sẽ có những ngày dài để nghỉ ngơi, vui chơi, tái tạo sức lao động, để quây quần bên gia đình đón một cái Tết bình thường đúng nghĩa sau hơn 2 năm Tết không trọn vẹn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Số lượng người đổ ra đường dịp Tết Nguyên đán năm nay qua lưu lượng giao thông tăng cao trên nhiều ngả đường, qua những hình ảnh người người chen vai ở các khu danh lam thắng cảnh, chùa chiền… cho thấy phần nào sự hồ hởi vui Xuân, đón Tết của nhân dân cả nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023, vận tải hành khách ước đạt 341,7 triệu lượt, tăng 34,7% về vận chuyển và tăng 71,3% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 16,2% về vận chuyển và tăng 5,3% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 871,2 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Ước tính 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, khách du lịch nội địa đạt khoảng 9 triệu lượt khách, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, đằng sau những niềm vui ấy, là nỗi lo của không ít doanh nghiệp khi đơn hàng bị suy giảm, khi còn những lao động vẫn có tư tưởng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Và chắc chắn, đó cũng là nỗi lo của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ.
Không lo sao được, khi tháng 1/2023 có tới hai kỳ nghỉ Tết, kéo dài tới 9 ngày (1-2/1 và 20 - 26/1), chiếm gần 1/3 quỹ thời gian của tháng. Nếu tính “chi li”, thời gian nghỉ đã chiếm tới 6/22 ngày làm việc trong tháng. Nghị quyết số 10/NQ-CP (phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với địa phương) đã chỉ ra rằng, trong tháng 1, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép bất lợi cả từ bên ngoài và từ nội tại, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.
Điều đáng mừng là, dưới sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và tổ chức đón Tết Nguyên đán cho nhân dân trong không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Mọi người, mọi nhà đều có Tết, bảo đảm không để ai không có Tết.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước…
Song, những nền tảng cơ bản của tháng 1 có là lực kéo cho tháng 2 nói riêng và quý I nói chung phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần, ý thức làm việc của mỗi người.
Ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới Quý Mão, khi Tết còn ấm trong mỗi nhà, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 03/CT-TTg hối thúc các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao ngay sau kỳ nghỉ Tết phải khẩn trương tập trung vào công việc, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo không khí phấn khởi và khí thế mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.
Những khó khăn, thách thức của 2023 là không nhỏ và đã được nhận diện. Nhìn lại tháng đầu tiên của năm, có thể thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu... bị ảnh hưởng do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo, trong khi các kỳ nghỉ Tết kéo dài. Sức ép lạm phát còn cao; công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp; kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 19,3%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam dẫu có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Phát huy trách nhiệm người đứng đầu để phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 là điều đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đề cập trong Chỉ thị 03/CT-TTg. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đề cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; quán triệt chủ đề của năm 2023 “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, cụ thể hóa chủ đề hành động của ngành mình, cấp mình, cơ quan, đơn vị mình; tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực… Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước các cấp luôn cùng đồng hành với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết, những công việc và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân. Không tổ chức du Xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn dân, đoàn viên, hội viên chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ năm 2023. Các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân và toàn thể nhân dân tranh thủ thời cơ, khí thế mới, khắc phục khó khăn, thách thức, tổ chức lao động sản xuất, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả.
Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân với nỗ lực phấn đấu cao nhất, chúng ta mới vượt qua được những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023./.
- Từ khóa:
- Chính phủ
- Chỉ thị 03