Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh.
TTXVN - Đây là một trong 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
* Thế giới và các dự báo liên quan đến Việt Nam
Tình hình thế giới, khu vực có tác động không nhỏ đối với Việt Nam trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Do đó, việc nghiên cứu và nắm bắt nhanh và chính xác bối cảnh quốc tế, khu vực có tác động đến Việt Nam là điều cần thiết nhằm đề ra những sách lược sát, đúng, kịp thời, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.
Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề tối hệ trọng của mỗi quốc gia trong việc hoạch định, thực thi chiến lược, chính sách xây dựng và bảo vệ đất nước. Lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự ổn định của hệ thống chính trị.
Theo Tiến sỹ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Lợi, Chính ủy Học viện Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng), hiện tại các nước lớn điều chỉnh chiến lược, gia tăng sức mạnh quân sự, tiếp tục can dự, chi phối an ninh, chính trị thế giới, khu vực và các nước khác. Vai trò của luật pháp quốc tế, thể chế quốc tế tăng lên, nhưng một số nước lớn vẫn đang tìm cách thay đổi “luật chơi” trong quan hệ quốc tế.
Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, môi trường chiến lược diễn biến ngày càng phức tạp. Do yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là để vượt qua khủng hoảng bởi tác động của đại dịch COVID-19, các nước đẩy nhanh tốc độ khai thác tài nguyên thiên nhiên, từ đó làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường và gia tăng thách thức đối với phát triển bền vững.
Dự báo, đến năm 2030, tình hình thế giới, khu vực có thể tiếp diễn các xu thế lớn của những năm qua, nhưng phạm vi, quy mô, mức độ và tính chất có những biểu hiện khác trước. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, song hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo.
Hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, khiến sự tùy thuộc, ràng buộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Vì lợi ích địa - chính trị, địa - kinh tế, nhiều nước gác lại tranh chấp, đối đầu để cùng hợp tác, khai thác thế mạnh của nhau nhằm chia sẻ lợi ích.
Trước các xu hướng trên, Việt Nam vận dụng hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực do chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ mang lại đối với Việt Nam là không hề nhỏ, đòi hỏi cần có những đối sách phù hợp nhằm hạn chế những tác động này để không ngừng bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Như vậy, tình hình thế giới và khu vực hiện nay và dự báo đến năm 2030 sẽ có những biến đổi phức tạp, nhanh chóng và khó lường, tiếp tục tác động đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải luôn theo dõi, bám sát tình hình, vận dụng phương pháp khoa học để đánh giá đúng bối cảnh quốc tế.
Đặc biệt, chúng ta phải nắm bắt, dự báo được các xu hướng trong quan hệ quốc tế, khu vực, cũng như mục tiêu, lợi ích, ý đồ chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn, đối với khu vực và Việt Nam để đề ra đường lối, chính sách, sách lược kịp thời, trong đó phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Riêng về lĩnh vực kinh tế, dự báo năm 2023 sẽ có nhiều biến động và thách thức phức tạp khó lường sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nền kinh tế nước ta đứng trước ba “cơn gió nghịch” cần vượt qua - chính sách thắt chặt tiền tệ, xung đột Nga - Ukraine, kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam thì cũng rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua ba thử thách nói trên. Với việc nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để doanh nghiệp có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi suy thoái và lạm phát của các thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, phụ thuộc vào các thị trường lớn và tương ứng là tác động của các biến động lãi suất từ các nước lớn, biến động ngoại hối; đồng thời tác động của thị trường vốn do bất ổn, mất niềm tin trên thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu xáo động, khó khăn thanh khoản, áp lực trả nợ trái phiếu trong năm 2023… tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ta.
* Dự báo trúng để có quyết sách phù hợp
Về tình hình thế giới năm 2023, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ nhận định: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột quân sự tại Ukraina còn có thể kéo dài. Hậu quả đại dịch COVID-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm. Lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia. Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.
Nghị quyết kết luận rằng tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định.
Việc khó đoán định của tình hình thế giới trong năm 2023 có tác động không nhỏ đến việc điều chỉnh những điều kiện phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của nước ta.
Về tình hình trong nước, Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ: Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế; những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Trong bối cảnh này, năng lực dự báo chính xác, phân tích nhanh và trúng, tầm nhìn chiến lược sâu và xa là yêu cầu hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Có năng lực phán đoán, phân tích giỏi thì mới có thể tham mưu tốt cho Đảng và Chính phủ về những quyết sách phù hợp, phát huy tối đa những điều kiện thuận lợi, hạn chế những mặt tiêu cực từ bối cảnh trong và ngoài nước.
Trong thời kỳ hội nhập, các tác động của nền kinh tế thế giới luôn ảnh hưởng đến nước ta từng ngày và chúng ta có thể đón bắt cơ hội, giảm thiểu nguy cơ từ những dự báo chính xác, kịp thời, tránh bị động khi có những tác động khách quan bất lợi.
Tại Hội nghị trực tuyến (ngày 3/1) giữa Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét: Công tác phân tích, dự báo, ứng phó với biến động tình hình có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời.
Theo Tiến sỹ Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, mục đích của công tác dự báo là nghiên cứu, đánh giá và tiên lượng từ sớm, từ xa các biến động, các yêu cầu phát triển của thực tiễn; từ đó chủ động phòng, chống, đẩy lùi và triệt tiêu các nguy cơ, gia tăng các yếu tố có lợi. Kết quả dự báo là nền tảng, cơ sở khoa học và lý luận, cung cấp hệ thống luận cứ quan trọng để Đảng hoạch định đường lối, chủ trương trong lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước đúng định hướng, đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra qua mỗi nhiệm kỳ đại hội.
Điều mấu chốt quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng chính là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có năng lực, trình độ, khả năng phân tích, dự báo các vấn đề nảy sinh, các nhân tố ảnh hưởng, nắm rõ các mục tiêu của đường lối, chủ trương, định hướng chính sách, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Khả năng dự báo đúng và trúng của đội ngũ cán bộ sẽ góp phần giúp cho Đảng có những quyết sách đúng đắn, phù hợp.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, phức tạp hơn trong tình hình mới, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đội ngũ làm công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, công tác thống kê, phân tích. Đội ngũ này phải có năng lực dự báo, tiên lượng đúng và ứng phó nhanh nhạy trước các thách thức, diễn biến rất nhanh, khó lường của tình hình thế giới. Đó là nhân tố quan trọng, điều kiện cần thiết để đội ngũ cán bộ nâng cao được chất lượng công tác tham mưu phục vụ việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước; giúp đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của công cuộc đổi mới, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc./.
Bài 2: Giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia