Môi trường

Triển khai thi hành pháp luật về tài nguyên nước tại miền Trung và Tây Nguyên

Lâm Đồng

Để đảm bảo Luật Tài nguyên nước được triển khai đồng bộ, hiệu lực hiệu quả, thông suốt từ trung ương đến địa phương ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, đều đồng bộ có hiệu lực cùng với Luật là từ ngày 1/7/2024.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh:  TTXVN phát

Ngày 18/10, tại thành phố Đà Lạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp, Liên minh châu Âu và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức “Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật”.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi căn bản phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là đang đối mặt với nhiều thách thức. Luật gồm 10 Chương và 86 Điều, đã thể chế hóa nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, thông qua 4 nhóm chính sách: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Luật Tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành có nhiều nội dung quan trọng, đột phá, tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo xu hướng hiện đại và hướng tới mục tiêu quan trọng nhất. Đó là “bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia”, trong đó chú trọng và các nội dung quan trọng như: điều hòa, phân phối tài nguyên nước; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước; phục hồi, làm sống lại các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; phân công, phân cấp triệt để cho các địa phương; quy định rõ trách nhiệm các Bộ, địa phương liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước…

Theo ông Châu Trần Vĩnh, để đảm bảo Luật Tài nguyên nước được triển khai đồng bộ, hiệu lực hiệu quả, thông suốt từ trung ương đến địa phương ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, đều đồng bộ có hiệu lực cùng với Luật là từ ngày 1/7/2024.

Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, trong đó Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật. Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 2 Nghị định, 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.

Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh chia sẻ, với những cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước mới đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng, là một trong những hệ thống pháp luật chuyên ngành được triển khai xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và đặc biệt là Luật Tài nguyên nước, 2 nghị định hướng dẫn thi hành Luật, 3 thông tư.

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng Luật Tài nguyên nước 2023, cơ quan soạn thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác, tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Bộ Ngoại giao và thương mại Úc, Cơ quan phát triển Pháp, Liên minh Châu Âu,  KOICA, IUCN, JICA, FAO,… để chia sẻ, hiểu sâu hơn mô hình quản lý, bối cảnh, trình độ phát triển, thực tiễn triển khai các chính sách tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, cũng như các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Trong đó, Cơ quan phát triển Pháp, Liên minh Châu Âu đã hợp tác và hỗ trợ liên tục trong quá trình xây dựng Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, cũng như trong việc thúc đẩy lộ trình thành lập các Tổ chức Lưu vực sông tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc nhấn mạnh về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023.
Ảnh: TTXVN phát

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, để khai thác, sử dụng, quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả, bền vững Quốc hội đã ban hành Luật Tài nguyên nước năm 2023; Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư, văn bản qui định, hướng dẫn thực hiện; sau khi được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, qua đó nâng cao hiệu lực thi hành, điều chỉnh các hành vi, cách ứng xử tích cực với tài nguyên nước; góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Hội nghị này rất quan trọng để triển khai thi hành pháp luật về tài nguyên nước; giải đáp thắc mắc, thảo luận hướng đến sử dụng nước bền vững, hiệu quả và đúng pháp luật.

Các đại biểu đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quản lý tài nguyên nước tại thực tiễn của địa phương.
Ảnh: TTXVN phát

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước giới thiệu Luật Tài nguyên nước 2023 và những điểm mới của Luật; những nội dung chính của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2023 và Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Quang cảnh Hội nghị.
Ảnh: TTXVN phát

Trên cơ sở các nội dung được giới thiệu, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quản lý tài nguyên nước tại thực tiễn của địa phương./.

Trần Diệu Thúy

Xem thêm