Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
TTXVN - Tổng kết và bế mạc hội thảo khoa học quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 27/2, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
* Khẳng định vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của Đề cương
Hội thảo: “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” đã hoàn thành chương trình và các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Hội thảo đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan, địa phương phối hợp chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và sự đồng tình, cổ vũ của dư luận xã hội. Ban Tổ chức đã nhận được 173 tham luận. Đây là minh chứng sinh động, rõ nét, khẳng định vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam và ý nghĩa thiết thực của Hội thảo...
Với những luận điểm khoa học và thuyết phục, Đề cương có ý nghĩa lý luận sâu sắc, mang tầm thời đại, có vai trò là “cương lĩnh” đầu tiên của Đảng về văn hóa, là sự khai phá mở đường, là nền tảng lý luận về văn hóa của Đảng. Thực tiễn đã khẳng định những đóng góp quan trọng của Đề cương đối với việc hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã dày công xây dựng nền văn hóa mới, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; văn học - nghệ thuật…; đóng vai trò quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay...
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nêu rõ: Trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, toàn diện và khẳng định những quan điểm cốt lõi của Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, Hội thảo đã phân tích và chỉ rõ quá trình vận dụng, kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị cốt lõi của Đề cương để hoàn thiện đường lối văn hóa của Đảng trong suốt 80 năm qua. Trên cơ sở kiên định, nhất quán những quan điểm nền tảng của Đề cương, qua từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, Đảng đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung và phát triển tư duy lý luận, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn.
Qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn nghệ; từ định hướng chiến lược của Đề cương, nhất là ba nguyên tắc: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa”, Đảng đã nhận thức ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn về bản chất, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng ta khẳng định: Văn hóa phải thực sự là “nền tảng tinh thần” vững chắc của xã hội, là “sức mạnh nội sinh quan trọng” trong sự phát triển của đất nước. Đảng chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Trong lý luận cũng như thực tiễn, văn hóa ngày càng được coi trọng, đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, là nhân tố điều tiết, đóng vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đảng ta nhận thức ngày càng toàn diện hơn về con người, khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời nhấn mạnh, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó là xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị để tạo động lực, niềm tin và lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
*Xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng: Hội thảo khẳng định cần tiếp tục kế thừa, vận dụng những quan điểm cốt lõi của Đề cương, nhất là ba nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” để nghiên cứu, tổng kết, làm rõ và sâu sắc hơn nữa nội hàm của mục tiêu xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong tình hình mới.
Các bên liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, tạo hành lang pháp lý để khơi thông mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Mặt khác, cần tập trung thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, sâu sắc, toàn diện của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021. Các bên liên quan cũng cần tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện đồng bộ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Cần huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước cho phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, cần chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan nhà nước và các đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.
Mặt khác, các bên liên quan cần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên; coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế, phát huy vai trò chủ thể, là trung tâm của con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Nhìn lại lịch sử 80 năm qua, có thể khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc ta. Giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu. Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang.../.
- Từ khóa:
- Kỷ niệm 80 năm
- Đề cương Văn hóa Việt Nam