Tỉnh Đoàn Lai Châu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, truyền cảm hứng cho đoàn viên, thanh niên thông qua những tấm gương làm kinh tế giỏi.
TTXVN - Nhờ nỗ lực của bản thân và hỗ trợ về nguồn vốn, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo sự lan lỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên.
Sinh ra và lớn lên tại bản Lèng Chư (xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ), Giàng A Chứ, dân tộc Mông luôn ấp ủ ước mơ được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.Năm 2009, sau khi học hết lớp 9, Giàng A Chứ đi làm thợ xây ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Công việc bấp bênh, không ổn định, anh quyết về quê lập nghiệp.
Năm 2020, anh được anh trai cho ít giống cây dâu tây về trồng. Anh Chứ thấy loại cây này dễ trồng, chăm sóc và phù hợp khí hậu địa phương. Đặc biệt, cây dâu tây nhanh cho thu hoạch, quả mọng, nhiều dinh dưỡng, giá bán trên thị trường cao, anh quyết định trồng thử nghiệm một năm, nếu hiệu quả sẽ nhân giống và mở rộng diện tích.
Toàn bộ diện tích trồng dâu tây của gia đình anh vốn là đất ruộng bậc thang cằn cỗi. Do thiếu nước, gia đình anh chỉ có thể canh tác một vụ rồi bỏ hoang chờ đến vụ sau mới sản xuất tiếp. Với bản tính cần cù, chăm chỉ, anh Chứ nhiều lần tìm cách trồng các loại cây khác nhau nhưng không phù hợp, do đó quyết định trồng thử nghiệm dâu tây.
Anh Giàng A Chứ chia sẻ, khi mới trồng dâu tây, do không có kiến thức về cách trồng và chăm sóc loại cây này, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm kết hợp học tập trên mạng internet rồi áp dụng vào thực tế. Muốn cây dâu sinh trưởng, phát triển tốt, cần đắp luống cao, cây không úng nước, tỉa bớt lá giúp cây tập trung ra nhiều quả và sử dụng nylon phủ bên ngoài gốc cây cho đất ẩm, tạo lớp ngăn cách quả với đất, hạn chế được sâu bệnh gây hại.
Nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm đã giúp chàng thanh niên 9X Giàng A Chứ biến những mảnh ruộng bậc thang khô cằn thành vườn dâu tây xanh tốt, sai quả và thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Mới đầu triển khai mô hình, anh Chứ đầu tư trên 150 triệu đồng và hệ thống nước tưới phun sương nhằm đảm bảo độ ẩm cho cây. Vụ đầu tiên, vườn dâu tây cho quả sai, kích thước quả to, với giá bán từ 100.000-120.000 đồng/kg, gia đình anh thu về trên 10 triệu đồng.
Thành công bước đầu tạo động lực khích lệ gia đình mở rộng diện tích. Năm 2022, anh Chứ trồng tiếp 500m2 dâu tây, thu được trên 60 triệu đồng. Đến năm 2023, gia đình anh tiếp tục trồng 800m2 và mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng. Trong khi đó, diện tích lúa gia đình vẫn gieo cấy một vụ, mỗi năm, thu từ 7 - 9 tạ thóc, đảm bảo nguồn lương thực cho cả gia đình.
Đầu vụ năm nay, vườn dâu của gia đình anh Chứ bình quân mỗi ngày thu về 6 triệu đồng, đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Tận dụng thời gian dâu nở hoa, anh Chứ còn nuôi ong lấy mật, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Hiện, dâu đang vào thời điểm chính vụ. Những quả dâu tây chín đỏ mọng ngay giữa lưng chừng núi thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm hái dâu. Có thời điểm, vườn dâu nhà anh Chứ không đủ sản phẩm cho khách đến tham quan, mua về làm quà.
Không chỉ làm giàu cho mình, mô hình trồng dâu tây của anh Chứ còn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương. Chị Lý Thị Mẩy cho hay đã làm thuê tại vườn dâu của anh Chứ được 6 tháng, thu nhập mỗi tháng 4 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình chị trang trải thêm cuộc sống.
Tương tự anh Chứ, mô hình trồng chanh leo của anh Giàng A Nủ, dân tộc Mông (bản Dền Thàng B, xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ) triển khai từ năm 2022 với 2ha, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nủ cho biết, anh được Đoàn xã Dào San và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cho đi tham quan mô hình chanh leo tại huyện Tam Đường (Lai Châu). Anh Nủ thấy đây là mô hình phát triển tốt, hiệu quả, có thể áp dụng tại địa phương nên đã trồng thử nghiệm. Thấy cây chanh leo hợp khí hậu, anh đã mạnh dạn trồng 2ha. Lúc đầu triển khai, anh được Đoàn xã hỗ trợ vay vốn 70 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ 100% giống.
Anh Nủ chủ động tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc trên mạng xã hội để vận dụng vào thực tế. Sau năm thu hoạch đầu tiên, anh thấy hiệu quả cao hơn so với trồng ngô, sắn trước đây. Năm nay, gia đình anh tiếp tục mở rộng thêm 2ha trồng chanh leo để thanh niên và bà con trong bản học hỏi, áp dụng.
Bí thư Đoàn xã Dào San Thào A Páo cho biết, địa phương có nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đem lại hiệu quả như: Mô hình trồng dâu tây, chanh leo, nuôi hươu sao và du lịch cộng đồng. Đoàn xã luôn song hành, hỗ trợ thanh niên vay vốn để làm mô hình; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan học hỏi mô hình kinh tế hiệu quả khác nhằm khơi dậy, lan tỏa ý tưởng, tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên.
Toàn tỉnh Lai Châu hiện có gần 113 nghìn thanh niên, trong đó, 98 nghìn thanh niên là người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 87%. Tỉnh Đoàn Lai Châu luôn đồng hành với thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua phong trào “Tuổi trẻ Lai Châu chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”.
Tỉnh Đoàn hỗ trợ 40 dự án thanh niên phát triển kinh tế; nhận ủy thác trên 920 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội; tổ chức 7 lớp tập huấn cho 2.260 lượt đoàn viên, thanh niên; tư vấn hướng nghiệp cho gần 83 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên; giới thiệu việc làm cho hơn 26 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên, trong đó, 8.273 đoàn viên, thanh niên đã có việc làm.
Cùng với đó là hỗ trợ hiện thực hóa 260 ý tưởng khởi nghiệp. Nhờ đó, 44 câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân thành viên đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Lai Châu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, truyền cảm hứng cho đoàn viên, thanh niên thông qua những tấm gương làm kinh tế giỏi, trong đó, tập trung vào thanh niên dân tộc thiểu số; tích cực ký kết chương trình phối hợp, tạo nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên; rà soát kỹ khi lựa chọn mô hình hỗ trợ thành mô hình điểm./.