Xã hội

Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn

Cao Bằng

Tỉnh Cao Bằng có diện tích đất ô nhiễm bom mìn 22.800 ha, chiếm khoảng 3,4% diện tích của tỉnh, tập trung tại huyện Hà Quảng và huyện Trùng Khánh.


Trao giải cho các học sinh đoạt giải trong Cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại”. 
Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Ngày 31/12, tại Cao Bằng, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ và hỗ trợ nạn nhân bom mìn.

Việt Nam là một quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh. Đến hết năm 2023, Việt Nam còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ khoảng 5,6 triệu ha, tương đương 17,71% diện tích đất cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh hiện nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong đó, tỉnh Cao Bằng có diện tích đất ô nhiễm bom mìn 22.800 ha, chiếm khoảng 3,4% diện tích của tỉnh, tập trung tại huyện Hà Quảng và huyện Trùng Khánh.

Ban Tổ chức tặng quà hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 
Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023 - 2025, Việt Nam đã tập trung hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách và quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn; tổ chức rà phá bom mìn khoảng 500.000 ha phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phòng tránh tai nạn bom mìn, phấn đấu đến năm 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc.

Năm 2024, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng cung cấp tư liệu, video clip tuyên truyền, thực hiện các nội dung truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn tại các khu vực (ấp, bản) đang tồn lưu ô nhiễm bom mìn cao tập trung ở huyện Hà Quảng và Trùng Khánh. Phương thức truyền thông sinh động bằng nhiều hình thức, đặc biệt là chiếu phim lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh và tuyên truyền miệng. Qua đó, tổ chức được 11 buổi tuyên truyền với 865 lượt người tham gia ở cấp huyện; cấp xã tổ chức 42 buổi/2.786 lượt người tham gia; tổ chức 18 buổi chiếu phim lựu động trên địa bàn 12 xã thu hút được 3.450 lượt người xem; tổ chức tuyên truyền lưu động trên nhiều cụm địa bàn....

Tặng Bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong Cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại”. 
Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cung cấp các tư liệu, hình ảnh, phim, video clip; xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động Cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại”. Cuộc thi đã thu hút 20 trường trung học cơ sở tại 2 huyện trên địa bàn với 5295 sản phẩm của học sinh tham gia.

Bên cạnh đó, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, lập danh sách hỗ trợ sinh kế cho 10 gia đình nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thời gian tới, Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ và hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Đồng thời, đề nghị các địa phương huy động các nguồn lực để thực hiện công tác giáo dục về phòng tránh tai nạn trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc./.

Nông Văn Đạt

Tin liên quan

Xem thêm