Xã hội

Xây dựng mạng lưới giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho cộng đồng

Bình Định

Việc triển khai dự án tại Bình Định sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025.

Quang cảnh Hội nghị.
Ảnh: Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cung cấp 

Trong khuôn khổ dự án “Hành động mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc (KVPVP)”, ngày 23/9, tại thành phố Quy Nhơn, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đối với cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, xã (phường) và cộng tác viên, tuyên truyền viên tuyến xã của thị xã Hoài Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, An Lão.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Quang Hợp, Phó Tổng Giám đốc VNMAC, Phó Ban Quản lý dự án KVPVP cho biết, dự án “Hành động mình vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Việt Nam thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA. Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) làm chủ dự án với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam).  

Dự án trên được triển khai từ năm 2023 - 2025 tại ba tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế, tập trung vào 4 trong 5 trụ cột của hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, bao gồm: Điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn; hỗ trợ nạn nhân; giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và tăng cường năng lực quản lý quốc gia trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến ô nhiễm bom mìn tại các cộng đồng bị ô nhiễm bom mìn vật nổ, nhằm tăng cường an toàn cho người dân đồng thời đưa ra các giải pháp xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn sinh kế bền vững.

Đại diện VNMAC chia sẻ thông tin về Kế hoạch giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đối với cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện, xã. 
Ảnh: Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cung cấp 

Theo thống kê, tỉnh Bình Định có 11/11 huyện, thành phố, thị xã với tổng số 159/159 xã (phường, thị trấn) được xác định bị ô nhiễm bom mìn vật nổ, tỷ lệ 100%. Diện tích ô nhiễm bom mìn vật nổ là 231.256,86 ha, chiếm 38,12 % diện tích tự nhiên của tỉnh.

Việc triển khai dự án tại Bình Định sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 4/3/2010; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.

Phó Tổng Giám đốc VNMAC Lê Quang Hợp cũng cho biết, theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2024, dự án tập trung hỗ trợ tập huấn cho các lực lượng cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn của Bình Định để triển khai truyền thông cho cộng đồng dân cư trên địa bàn 20 xã thuộc dự án. Trên cơ sở kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra, các hoạt động của năm sau sẽ được tiếp tục triển khai để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững cao nhất.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về các biện pháp triển khai nhiệm vụ giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn trong khuôn khổ dự án KVPVP năm 2024, với nội dung trọng tâm là thống nhất phương pháp truyền thông, xây dựng mạng lưới giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho cộng đồng dân cư và học sinh bậc Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn 20 xã thuộc các huyện, thị trấn nói trên./.

Hiền Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm