Các hoạt động phát triển văn hóa đọc đạt được những kết quả nhất định; phong trào đọc được khơi gợi, thói quen đọc sách được hình thành; những kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin của bạn đọc từng bước được cải thiện... hơn so với năm trước.
Ngày 10/10, tại thành phố Huế, Liên hiệp Thư viện các tỉnh Bắc miền Trung phối hợp với Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị Tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh Bắc miền Trung năm 2024 và Tọa đàm “Truyền thông, vận động phát triển văn hóa đọc trong thư viện: Thực trạng và giải pháp”.
Tại sự kiện, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về kết quả hoạt động của thư viện 6 tỉnh trong Liên hiệp; ý nghĩa, thực trạng về công tác truyền thông, vận động phát triển văn hóa đọc trong hoạt động thư viện; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phát triển các dịch vụ và tổ chức các sự kiện văn hóa đọc tại thư viện; ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong truyền thông phát triển văn hóa đọc và chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình hay về phát triển văn hóa đọc tại thư viện và tủ sách cơ sở… nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc theo Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã thẳng thắn nhìn nhận công tác truyền thông, vận động phát triển văn hóa đọc vẫn còn hạn chế; nhiều cuộc triển lãm trưng bày sách báo của thư viện còn mang tính hình thức; giới thiệu sách đã cũ, ít có tác dụng thu hút bạn đọc tới thư viện; công tác xã hội hóa chưa mạnh mẽ. Đáng chú ý, sự phát triển của các phương tiện truyền thông, thiết bị điện tử hiện đại, mạng xã hội tác động mạnh mẽ đến thói quen đọc sách. Thống kê cho thấy, hiện nay bình quân cả năm người Việt Nam mới đọc 4 cuốn sách, trong đó có 2,8 cuốn sách giáo khoa…
Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, các thư viện cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về công tác truyền thông, vận động góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc; nghiên cứu chọn lọc để ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động trọng tâm trong năm; đổi mới hình thức tuyên truyền, giới thiệu sách hợp lý; hoàn chỉnh hệ thống mục lục tra cứu trực tuyến; tăng cường giới thiệu sách trên các kênh thông tin đại chúng. Các thư viện hình thành các sản phẩm thông tin mới theo nhu cầu bạn đọc như thông tin chuyên đề, thông tin chọn lọc cho lãnh đạo địa phương; phát triển văn hóa đọc để người dân được tiếp cận sách báo, tri thức nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút nguồn lực thúc đẩy văn hóa đọc.
Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, cần xây dựng môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thư viện với các kỹ năng cần thiết trong xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, giới thiệu sách, truyền thông vận động. Các thư viện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nhằm đẩy mạnh xây dựng thư viện điện tử; xây dựng mô hình thư viện kiểu mẫu mang tính mở cả về không gian học tập và giải pháp công nghệ.
Thời gian qua, Liên hiệp Thư viện Bắc miền Trung đã triển khai các hoạt động thiết thực và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; hoạt động thư viện có nhiều đổi mới về quy mô và phương pháp tổ chức. Các hoạt động phát triển văn hóa đọc đạt được những kết quả nhất định; phong trào đọc được khơi gợi, thói quen đọc sách được hình thành; những kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin của bạn đọc từng bước được cải thiện; các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được nâng lên; bạn đọc ngày càng đến sử dụng các dịch vụ thư viện tăng so với năm trước. Công tác phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ giữa thư viện từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đặc biệt là sự liên kết, trao đổi và phối hợp về chuyên môn, nghiệp vụ giữa thư viện các tỉnh trong Liên hiệp được duy trì thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực và đã đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập./.