Giáo dục

Tư vấn pháp luật góp phần bảo vệ, hỗ trợ kịp thời nhà giáo, người lao động

Ngày 8/11, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo Công đoàn với công tác tư vấn pháp luật trong các đơn vị, trường học, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).

Các đại biểu tham dự hội thảo
Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Những năm qua, việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là công tác tư vấn pháp luật cho cán bộ, nhà giáo, người lao động về cơ bản đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức thi hành pháp luật; bảo vệ, hỗ trợ kịp thời cán bộ, nhà giáo, người lao động khi có vướng mắc, khó khăn trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng; đặc biệt, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại nhân phẩm, danh dự của cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Ảnh: Thanh Tùng

Công đoàn Giáo dục các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn đồng cấp; chủ động tham mưu, đề xuất và có nhiều cách làm hay, mới, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng với tình hình thực tiễn để đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật đi vào cuộc sống. Mặt khác, chủ động giám sát, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách có liên quan đến cán bộ, nhà giáo, người lao động trong đơn vị; kịp thời kiến nghị với chính quyền, các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp đứng lớp, phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, chế độ nghỉ hưu, thai sản…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư vấn pháp luật tuy đã được triển khai nhưng vẫn còn mang tính hình thức, đơn điệu, chưa thường xuyên. Nguyên nhân do cấp ủy đảng, chính quyền một số cơ quan, đơn vị, trường học chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ tư vấn còn hạn chế; số lượng ít, chuyên môn không sâu về pháp luật, không có cán bộ nào được đào tạo chuyên môn ngành Luật làm công tác tư vấn pháp luật. Bên cạnh đó, số lượng Bộ Luật, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật của Chính phủ, liên Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành với số lượng lớn và liên tục được sửa đổi, bổ sung nên việc tìm hiểu, nghiên cứu, cập nhật chưa thật đầy đủ, kịp thời. Kinh phí đầu tư cho công tác tư vấn pháp luật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cán bộ, nhà giáo, người lao động tại nhiều đơn vị chỉ quan tâm làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, chưa thực sự tự giác quan tâm đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình. Vẫn còn hiện tượng cán bộ, nhà giáo, người lao động vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, phải xử lý kỷ luật.

Theo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến năm học 2020-2021, tổng số nhà giáo trong cả nước là hơn 1,4 triệu người. Biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 43% tổng biên chế công chức và biên chế sự nghiệp của cả nước. Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của các ngành, lĩnh vực.

Các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cơ bản đã được ban hành tương đối đầy đủ, làm cơ sở pháp lý cho nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Trên cơ sở những mặt tích cực và những điểm tồn tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang phối hợp với Bộ Nội vụ cùng các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ làm việc, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo để chế tài tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật trong ngành Giáo dục thời gian tới, đại diện của một số đơn vị cho rằng: cần đổi mới hoạt động của Tổ tư vấn pháp luật Công đoàn Giáo dục Việt Nam; tăng cường cả về số lượng, chất lượng các hoạt động tư vấn pháp luật ở cơ sở với các hình thức như tư vấn trực tuyến, tổ chức các cuội thi, hội thi pháp luật, ban hành sổ tay pháp luật… Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngay tại công đoàn trực thuộc, có kết nối với các chuyên gia pháp lý để đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, nhà giáo, người lao động./.

Việt Hà

Xem thêm