Môi trường

Tuần Lễ nước Việt Nam 2022: Cấp nước an toàn thích ứng biến đổi khí hậu

Việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đã mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Hội Cấp thoát nước Việt Nam với Hội Nước Vương quốc Anh

Trong khuôn khổ Tuần Lễ nước Việt Nam 2022 (VietNam Water Week 2022), chiều 10/11, Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Hội Cấp thoát nước Việt Nam với Hội Nước Vương quốc Anh và hội thảo “Biến đổi khí hậu - An ninh nguồn nước - Cấp nước an toàn” đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo bà Hà Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, thông qua biên bản hợp tác, thời gian tới, hai bên sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: Giảm thiểu biến đổi khí hậu; chuyên môn về quản trị nước; phục hồi toàn diện lưu vực sông; đổi mới kỹ thuật số cho thành phố thông minh…. Theo đó, hai bên chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thể chế, chính sách ngành nước của các bên; đồng thời, hợp tác tổ chức các sự kiện ngành nước của hai nước bao gồm: Việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến và các hoạt động xúc tiến thương mại; chia sẻ thông tin, phát triển mạng lưới chuyên gia và hợp tác truyền thông…

Trình bày góc nhìn của Tổ chức Y tế Thế giới về thực trạng cấp nước an toàn ở Việt Nam, ông Tôn Tuấn Nghĩa, chuyên gia nước, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết: Việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đã mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và cộng đồng (cải thiện công tác quản lý vận hành, giảm thất thoát nước, tiết kiệm hóa chất, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý nước...).

Hiện, Việt Nam thuộc tốp đi đầu trong khu vực về kế hoạch cấp nước an toàn, tạo ra lợi thế trong việc thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững về quản lý an toàn cấp nước của Liên hợp quốc. Kế hoạch cấp nước an toàn đã trở thành xu thế chung trên toàn quốc, được các đơn vị cấp nước hưởng ứng, tự nguyện áp dụng ở cả đô thị và nông thôn; các mô hình thí điểm đã thành công trong việc duy trì cấp nước an toàn và chia sẻ các bài học, kinh nghiệm. Đồng thời, Việt Nam bước đầu đã xây dựng được hành lang pháp lý: Thông tư 08 Bộ Xây dựng, Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn (2016-2025). 

Nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cấp nước an toàn, ông Tôn Tuấn Nghĩa khuyến nghị, ngành nước cần sớm đưa nội dung kế hoạch và đánh giá kế hoạch cấp nước an toàn vào dự thảo Luật Nước sạch, Nghị định 117 sửa đổi và Thông tư cấp nước an toàn nông thôn. Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cần ban hành Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn trên toàn quốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo an toàn cấp nước cho các tỉnh. Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chuẩn Chất lượng nước địa phương…

Đề xuất kế hoạch trọng tâm cấp nước an toàn trong thời gian tới, theo bà Nguyễn Hồng Khánh, Phó trưởng Phòng Quản lý cấp nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, trước hết ngành nước cần đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành như: Rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện và xây dựng kế hoạch thực hiện cấp nước an toàn, việc thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát thất thu nước sạch cấp tỉnh, việc lập kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn tại các địa phương. Đồng thời, ngành nước cần phối hợp chặt chẽ liên ngành từ Trung ương đến địa phương nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cấp nước an toàn; tiếp tục tổ chức các đoàn công tác tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm rà soát, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm cấp nước an toàn.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước - môi trường Bình Dương

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu bảo đảm cấp nước an toàn ở Bình Dương, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nước - môi trường Bình Dương (BIWASE) cho biết, mỗi địa phương có đặc điểm tự nhiên khác nhau, nguồn nước, lượng nước khác nhau, riêng tỉnh Bình Dương được thiên nhiên ưu đãi có ba mặt giáp hai con sông lớn và một kênh dẫn nước lớn (hồ Phước Hòa; hồ Dầu Tiếng). Nước sông Sài Gòn rất gần nơi tiêu thụ lớn nhưng công suất khai thác chỉ 30.000 m3/ngày đêm, trong khi đó phần còn lại trên 600.000 m3/ngày đêm. Vì vậy, Công ty lựa chọn nước từ nguồn sông Đồng Nai vì có ưu điểm lưu lượng dồi dào, chất lượng nước thì tốt hơn hẳn các nguồn khác, hàm lượng mangan và sắt ít hơn so với nước sông Sài Gòn, do đó duy trì được tuổi thọ của đường ống dẫn nước.

Để bảo đảm chất lượng ổn định nhất, Công ty Cổ phần nước - môi trường Bình Dương đã ưu tiên lựa chọn nguồn nước thô (nguyên liệu); luôn ổn định việc cấp nước 24/24 giờ và không phải dừng cấp nước để tu bổ nhà máy hay mạng lưới.Các chuyên gia và các đại biểu đến từ các ngành liên quan đến lĩnh vực cấp thoát nước tập trung thảo luận một số nội dung như: Nghiên cứu điển hình về hợp tác công - tư trong xử lý nước thải và đổi mới quy trình xử lý; kinh nghiệm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước./.

Diệu Thúy

Xem thêm