Văn hóa

Tưng bừng hội rước pháo Đồng Kỵ, Bắc Ninh

Bắc Ninh

Lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống, gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ rước với sự tham gia của hơn 1.000 người gồm các đội múa lân, đoàn đại nhạc, tiểu nhạc, đồ thờ, cờ lọng, chiêng trống, kiệu pháo tràng, pháo Nhất, pháo Nhị....

Tưng bừng Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Bắc Ninh)
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Ngày 1/2 (tức mùng 4 Tết Ấy Tỵ), phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ hội Rước pháo Đồng Kỵ Xuân Ất Tỵ 2025, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương.

Lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống, gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ rước với sự tham gia của hơn 1.000 người gồm các đội múa lân, đoàn đại nhạc, tiểu nhạc, đồ thờ, cờ lọng, chiêng trống, kiệu pháo tràng, pháo Nhất, pháo Nhị....

Nét độc đáo trong lễ hội này là nghi thức Dô ông đám. Các thanh niên tuổi từ 18 trở lên ở các dòng họ trong phường Đồng Kỵ tham gia đỡ 4 ông quan đám biểu diễn ở sân đình. Đây là nghi thức nhắc lại sự tích Thánh Thiên Cương kén tướng tiên phong đi dẹp giặc. Phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi như bóng chuyền hơi, cờ tướng, thi sinh vật cảnh, hát quan họ trên thuyền, hát tuồng, chầu văn...

Lễ hội Rước pháo Đồng Kỵ là một trong 8 di sản văn hóa của Bắc Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016.
Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Tương truyền, Lễ hội Rước pháo Đồng Kỵ có từ đời Hùng Vương thứ 6, Thành hoàng làng là tướng Thiên Cương cùng Thánh Gióng đánh đuổi giặc Xích Quỷ, thắng trận trở về được dân làng mở hội khao quân, trong hội có đốt pháo.

Lễ hội Rước pháo Đồng Kỵ là một trong 8 di sản văn hóa của Bắc Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân, nhằm gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa, tưởng nhớ tới công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, liệt sỹ và người có công với làng với nước. Đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, nhu cầu của người dân và du khách…

Ban tổ chức đã phối hợp với các bên liên quan, trong đó có lực lượng công an, dân phòng, Ban bảo vệ dân phố phân các chốt trực nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách tham gia trảy hội./.

Phùng Thị Thanh Thương

Xem thêm