Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là chủ trương xuyên suốt của Đảng trong các kỳ đại hội để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia.
TTXVN - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Chỉ thị về việc Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây cũng là một hoạt động cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024, trong đó có nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; xây dựng biểu tượng và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia; tăng cường xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa dân tộc ra nước ngoài.
Dự thảo Chỉ thị nêu rõ giá trị của văn hóa, tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta. Cụ thể, văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng như giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để hoàn thiện, phát triển. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là chủ trương xuyên suốt của Đảng trong các kỳ đại hội, để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia cần thúc đẩy và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Dự thảo cũng nêu những tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta; nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Đó là tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững", từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2016, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa là nội dung quan trọng, nhiệm vụ cấp bách nêu trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào tăng trưởng đất nước. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 có khoảng 70.321 cơ sở hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá. Lực lượng lao động trong ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, nếu năm 2018 là khoảng 37 tỷ USD thì đến năm 2022 ước đạt 41,9 tỷ USD ...
Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, đến năm 2030, nước ta sẽ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ phát triển có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế, gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập, hợp tác quốc tế. Đến năm 2030, doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 7% vào GDP.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam" nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, quảng bá sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu "khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh"./.