Văn hóa

Hậu Giang xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong đời sống xã hội

Hậu Giang

Hậu Giang sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao Huy hiệu cho các đảng viên nhiều năm tuổi Đảng. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

TTXVN - Thực hiện phát triển văn hóa Việt Nam từ nay đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, Hậu Giang ưu tiên nguồn lực đầu tư tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể như di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, thư viện... Hậu Giang đặt nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, rèn luyện con người có nhân cách, lối sống đẹp, yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của tỉnh như quảng cáo, du lịch văn hóa… Cùng với đó, Hậu Giang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo tồn di sản, tài nguyên văn hóa đặc thù của tỉnh và cả nước như Đề án bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; xây dựng quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh…

Hậu Giang tiếp tục bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc. Cụ thể tỉnh triển khai các chương trình, nhiệm vụ bảo quản, trùng tu, tôn tạo nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới.

Tỉnh sẽ nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển các ứng dụng nghiên cứu, khai thác những giá trị về nghệ thuật truyền thống trong các kho dữ liệu đang có.

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 đảm bảo 100% trung tâm văn hóa - thể thao và truyền thanh cấp huyện được xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động; 85% đơn vị hành chính cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng; 80% học sinh trong các trường học được giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của đất nước con người Việt Nam và truyền thống lịch sử, nếp sống văn minh, ứng xử có văn hóa mang đặc trưng văn hóa, con người Hậu Giang.

Tỉnh phấn đấu từ 70% thiết chế văn hóa đều được phát huy chức năng; từ 50% di tích lịch sử, văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh và di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh xuống cấp được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị; đảm bảo trên 80% các địa phương, cơ quan, đơn vị, gia đình đạt được các danh hiệu văn hóa trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hậu Giang cũng phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa mỗi năm 20% so với mức chi hiện tại chỉ khoảng 0,5%/tổng chi ngân sách hàng năm.

Hậu Giang hiện có hơn 185 nghìn gia đình văn hóa, chiếm hơn 93% tổng số hộ, trong đó có hơn 12 nghìn gia đình văn hóa tiêu biểu, chiếm gần 6,6% số lượng gia đình văn hóa. Tỉnh có 38/51 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, chiếm 74,5%; 21/24 phường văn minh đô thị, chiếm 87,5%, trong đó có 2 đơn vị đạt chuẩn văn minh đô thị nâng cao. Toàn tỉnh có trên 170 nhà văn - nghệ sĩ sinh hoạt ở 10 phân hội chuyên ngành văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật.../.

Hồng Dân

Tin liên quan

Xem thêm