Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên: Đòn bẩy phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên không chỉ giúp giảm tải giao thông mà còn mang lại cơ hội mới để khám phá thành phố theo cách tiện lợi và thân thiện môi trường.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là công trình mang tính biểu tượng về hạ tầng hiện đại mà còn là nền tảng quan trọng phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh bền vững kết nối chuỗi điểm đến văn hóa, lịch sử và giải trí đặc sắc của thành phố.
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, với chiều dài 19,7 km và 14 ga, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên không chỉ giúp giảm tải giao thông mà còn mang lại cơ hội mới để khám phá thành phố theo cách tiện lợi và thân thiện môi trường. Tuyến metro này kết nối các khu vực trung tâm và phía Đông thành phố, qua đó đưa du khách đến gần hơn nhiều điểm tham quan nổi bật với thời gian di chuyển nhanh chóng và chi phí tiết kiệm, cùng đa dạng trải nghiệm độc đáo.
Cụ thể, ga Bến Thành (Quận 1) nằm ngay trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, là cửa ngõ lý tưởng để du khách khám phá những công trình, biểu tượng của như: Chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, trụ sở Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bảo tàng Mỹ thuật… Từ ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh), du khách có thể dễ dàng tiếp cận Landmark 81 - tòa nhà biểu tượng đặc trưng của Thành phố trong thời đại mới. Ngoài ra, du khách có thể tham quan Đài quan sát Landmark 81 Skyview nằm tại 3 tầng cao nhất của tòa nhà để chiêm ngưỡng toàn cảnh Thành phố Hồ Chí Minh từ cây cầu Sky Touch nằm trên độ cao gần 400 m, tham gia các trò chơi mạo hiểm như nhảy dù thực tế ảo.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng kết nối nhiều điểm đến du lịch trên địa bàn, gồm: Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (trung tâm vui chơi, giải trí kết hợp đa dạng những giá trị truyền thống và hiện đại, nổi tiếng với các công trình văn hóa - lịch sử - tâm linh lâu đời và ngày càng phát triển các công trình mới phù hợp xu hướng du lịch xanh trải nghiệm); đền tưởng niệm các Vua Hùng và đền thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là hai công trình văn hóa - lịch sử nổi bật tại thành phố Thủ Đức (đều nằm trong Công viên lịch sử văn hóa dân tộc) là những điểm tham quan không thể bỏ qua khi khám phá vùng đất phương Nam...
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sự kiện chính thức vận hành thương mại tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy phát triển ngành Du lịch thành phố. Thông qua kết nối thuận tiện, du khách có thể dễ dàng tiếp cận các địa điểm văn hóa, lịch sử và giải trí, mang lại hành trình trọn vẹn cho cả người dân địa phương và du khách trong nước cũng như quốc tế. Ngoài ra, việc sử dụng tuyến metro góp phần giảm khí thải, bảo vệ môi trường và khuyến khích thói quen sử dụng giao thông công cộng.
Trong Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố tập trung xây dựng hệ thống du lịch thông minh hướng tới các mục tiêu chính gồm: tiện ích cho du khách, điểm đến thông minh, hệ sinh thái kinh doanh thông minh; chủ động phân tích và dự báo nhu cầu, xu hướng, sở thích nhằm hoạch định phát triển tốt hơn. Hiện nay, Sở Du lịch đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, không chỉ trong công tác quản lý điều hành, quản lý Nhà nước mà còn ứng dụng thực tiễn vào hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thống kê năm 2024, khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ (đạt 100% so với kế hoạch). Khách du lịch nội địa ước đạt 38 triệu lượt, tăng 8,6% so cùng kỳ (đạt 100% so với kế hoạch). Tổng thu du lịch ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 100% so với kế hoạch năm 2024)./.