Tội phạm có sự chuyển hướng hoạt động trên không gian mạng, trong đó tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng.
TTXVN - Chiều 26/4, Công an tỉnh Gia Lai (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Gia Lai) và Văn phòng Bộ công an (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ) đồng chủ trì Hội nghị "Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội tại tỉnh Gia Lai".
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Dương Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội của cả nước. Hằng năm bình quân Gia Lai xảy ra khoảng 1.000 vụ phạm tội về hình sự, trong cơ cấu tội phạm chủ yếu là trộm cắp, cố ý gây thương tích, lừa đảo, đánh bạc.
Ngoài ra, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, tội phạm có sự chuyển hướng hoạt động trên không gian mạng như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán người, mại dâm, cờ bạc; vi phạm pháp luật về mua bán, chế tạo vũ khí, vật liệu nổ. Trong đó, nổi bật là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra hàng trăm vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó các thủ đoạn phổ biến là chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người thân, bạn bè rồi mượn tiền của nạn nhân; lừa tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng; dụ dỗ, lôi kéo tham gia đầu tư tài chính, tạo lập các app, trang web cho vay tiền.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện các đối tượng sử dụng công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo (giả hình ảnh, giọng nói) khiến việc phòng ngừa rất khó khăn. Qua công tác điều tra, xác minh, truy vết, Công an tỉnh Gia Lai nhận thấy các vụ lừa đảo trên không gian mạng chủ yếu liên quan các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng tại nước ngoài (giữ vai trò chủ mưu cầm đầu) và đối tượng trong nước (giữ vai trò thứ yếu). Các đối tượng lừa đảo triệt để lợi dụng khoa học, công nghệ, phương tiện, thiết bị hiện đại để che giấu thông tin, dấu vết, nên công tác điều tra, truy vết dòng tiền, thu hồi tài sản khó khăn.
Theo thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, trong số hàng trăm vụ lừa đảo trên không gian mạng xảy ra từ năm 2023 đến nay, riêng thành phố Pleiku chiếm tỷ lệ gần 1/3 tổng số vụ, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng. Thành phần nạn nhân rất đa dạng, bao gồm cả cán bộ, công chức, đảng viên, lực lượng vũ trang bị lừa từ vài triệu đồng cho đến vài tỷ đồng (có trường hợp bị chiếm đoạt tới 18 tỷ đồng). Do đó, Công an tỉnh Gia Lai xác định thành phố Pleiku là một trong những địa bàn trọng điểm cần tập trung triển khai các giải pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, nhằm hạn chế thấp nhất số vụ lừa đảo, thiệt hại xảy ra.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an đã nêu ra nhiều tình huống là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao, hướng dẫn các phương án phòng ngừa, xử lý các tình huống thường gặp. Một số đại biểu tham dự cũng đặt câu hỏi để các báo cáo viên giải đáp, hướng dẫn cách xử lý tình huống khi bị tội phạm công nghệ cao tấn công./.
- Từ khóa:
- phòng ngừa
- tội phạm
- công nghệ cao