Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp phòng ngừa các nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa và các nhiễm khuẩn khác ở trẻ nhỏ. Trẻ được bú mẹ thường phát triển trí não tốt hơn, giảm nguy cơ thừa cân béo phì và mắc đái tháo đường khi trưởng thành.
Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (World Breastfeeding Week) được Liên minh Thế giới Hành động vì Nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) triển khai từ năm 1991, diễn ra từ 1- 7/8 hàng năm. Đây là hoạt động thường niên nhằm khuyến khích sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để mọi trẻ em đều có cơ hội hưởng nguồn dinh dưỡng không thể thay thế từ sữa mẹ. Năm 2024, Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ có chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương” (Closing the Gap - Breastfeeding Support for All).
* Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ
Sau 33 năm triển khai, Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ đã trở thành một sự kiện quan trọng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam, với các hoạt động hưởng ứng đa dạng trên toàn thế giới. Sữa mẹ cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết và dễ tiêu hóa cho sự phát triển của trẻ như: chất đạm, chất béo, đường, các vitamin và khoáng chất. Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp phòng ngừa các nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa và các nhiễm khuẩn khác ở trẻ nhỏ. Trẻ được bú mẹ thường phát triển trí não tốt hơn, giảm nguy cơ thừa cân béo phì và mắc đái tháo đường khi trưởng thành.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là lựa chọn dinh dưỡng thứ hai sau sữa mẹ ruột. Hằng năm, có khoảng 90.000 trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý đang phải điều trị cách ly, có mẹ không may qua đời hoặc bị bệnh, trẻ rất cần nguồn sữa mẹ hiến tặng để có thể vượt qua các biến chứng sơ sinh nguy hiểm và mau phục hồi. Bộ Y tế và Tổ chức Alive & Thrive đã xây dựng hệ thống Ngân Hàng Sữa Mẹ với quy trình thu nhận, sàng lọc và thanh trùng sữa mẹ hiến tặng, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho trẻ khi sử dụng.
WHO cho rằng: các nhà sản xuất sữa công thức đã sử dụng thông điệp tiếp thị sai lệch về khoa học như cho trẻ uống sữa công thức sẽ tăng chiều cao và phát triển trí não, sữa công thức sẽ cung cấp HMO và DHA (những dưỡng chất quan trọng để phát triển trí não và hệ miễn dịch), khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ. Tình trạng tiếp thị tràn lan của ngành công nghiệp sữa công thức cho trẻ sơ sinh đang có tác động tiêu cực tới quyết định nuôi dưỡng trẻ của bố mẹ. Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã nghiêm cấm các hành vi quảng cáo, khuyến mãi đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi (như sữa công thức, bình bú, vú ngậm nhân tạo) nhằm hạn chế tình trạng nhiều bậc phụ huynh chọn lựa sữa công thức để nuôi dưỡng trẻ.
* Đẩy mạnh hỗ trợ và giảm bất bình đẳng
Theo Tổ chức Alive & Thrive, bất bình đẳng tồn tại ở rất nhiều hình thức khác nhau, và bất bình đẳng trong dinh dưỡng là một trong số đó. Khi không được bú mẹ, trẻ em phải đối diện với nguy cơ suy dinh dưỡng và nhiều biến chứng sơ sinh nguy hiểm. Khi phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ không được tiếp cận dinh dưỡng và dịch vụ y tế đầy đủ, hệ lụy không chỉ dừng ở họ mà có thể kéo dài tới các thế hệ sau đó. Việc hỗ trợ bất kỳ người phụ nữ nào đang nuôi con nhỏ, động viên và giúp đỡ họ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ mang lại sự bình đẳng về dinh dưỡng cho mọi trẻ em quanh mình.
Bộ Y tế cho biết, chiến dịch năm 2024 tập trung vào việc đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt, chú trọng vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp. Điều này nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Chiến dịch cũng nhấn mạnh vai trò của nuôi con bằng sữa mẹ trong việc đóng góp vào giá trị kinh tế toàn cầu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bên cạnh những lợi ích về sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, còn chứa nhiều kháng thể giúp phòng ngừa các nhiễm khuẩn, hỗ trợ phát triển trí não và giảm nguy cơ thừa cân, béo phì và mắc đái tháo đường khi trưởng thành.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách hiệu quả để cải thiện dinh dưỡng, giảm bệnh tật và tử vong cho trẻ. Để thực hiện được điều này, cần tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các bà mẹ về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ, làm thế nào để cho trẻ bú đúng cách, cách duy trì nguồn sữa sau sinh của các bà mẹ trở lại làm việc.
Nuôi con bằng sữa mẹ cần sự ủng hộ, hỗ trợ của cả gia đình và cộng đồng. Gia đình, đặc biệt là người chồng cần san sẻ bớt gánh nặng cho người mẹ bằng cách hỗ trợ làm việc nhà và các công việc chăm sóc khác. Bên cạnh đó, việc hiến tặng sữa mẹ cho hệ thống Ngân Hàng Sữa Mẹ cũng là một hành động quan trọng để cứu sống trẻ sinh non và bệnh lý, giúp các em bé có cơ hội vượt qua các biến chứng sơ sinh nguy hiểm và mau phục hồi./.