Dòng chảy trên các sông khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Do vậy nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở Trung Bộ, Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại Nam Bộ
TTXVN - Thời gian qua, nắng nóng, hạn hạn, xâm nhập mặn và cháy rừng xảy ra ở nhiều khu vực trong cả nước, trong đó khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng rất nặng nề của các hình thái thời tiết trên. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn còn kéo dài trong thời gian tới.
*Ảnh hưởng tới cuộc sống người dân
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hơn 590 vị trí sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài hơn 15,6 km; trong đó, sụt lún đường bê tông có chiều dài hơn 11,6 km và đường đất đen có chiều dài gần 4 km. Ước tính thiệt hại do sạt lở, sụt lún trị giá gần 21,6 tỷ đồng. Huyện Trần Văn Thời là địa phương bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, hiện tượng khô hạn kéo dài khiến lượng nước trên các kênh khô cạn không còn phản áp, gây ra hiện tượng sạt lở đất các tuyến đường giao thông nông thôn trong vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời, dẫn đến ảnh hưởng rất lớn giao thông thủy, bộ và đời sống của người dân.
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Phước, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày là từ 12 - 16 giờ, nhiệt độ dao động từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Nguồn nước ở các hồ thủy lợi, ao, sông suối trong tỉnh bị khô cạn. Thiếu nước tưới đã khiến các loại cây trồng như bưởi, sầu riêng, cà phê bị khô bông, rụng trái... Tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài và được cảnh báo hạn nông nghiệp ở mức độ 3-4 và cấp độ thiên tai ở mức 1-2.
Tỉnh Bình Phước có địa thế cao khó tích trữ nước, trong khi nắng nóng tới 35-37 độ C khiến tỷ lệ nước bốc hơi càng cao, nguồn nước càng cạn kiệt. Nguồn trữ nước tại các hồ chứa đều xuống thấp, mực nước tại các giếng đào, giếng khoan của một số hộ dân đang cạn dần. Nguồn nước dự trữ ở các hồ nhỏ, bàu của người dân đã cạn kiệt gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.
Chủ động đề phòng nguy cơ cháy rừng, theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, mùa khô năm 2024, tỉnh An Giang xác định tổng diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy là gần 7.370 ha, chiếm 43,7% tổng diện tích rừng toàn tỉnh; trong đó, thị xã Tịnh Biên có trên 2.900 ha với nguy cơ xảy ra cháy tập trung ở khu vực như: Rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, núi Phú Cường, cụm núi Đất, núi Nhọn, đồi Kakô, khu vực Latina-Tà Lọt...
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, từ đầu tháng 3 đến nay, nắng nóng, khô hạn diễn ra gay gắt; dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Nguy cơ cháy rừng đặc biệt cao ở các huyện phía Bắc của tỉnh, nơi khoảng 3 - 4 tháng nay trời liên tục nắng nóng, không có mưa.
Nhận định về tình hình thời tiết trong thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, hiện tượng El Nino vẫn duy trì với xác suất khoảng 60-65% và kéo dài từ nay đến tháng 6/2024. Nắng nóng xuất hiện sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Bắc Bộ nắng nóng xuất hiện vào tháng 4-7, cao điểm vào tháng 5-6; Đông Bắc Bộ vào tháng 5-8, cao điểm tháng 6-7; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế vào tháng 4-8, cao điểm tháng 6-7; khu vực Đà Nẵng - Khánh Hòa vào tháng 5-8, cao điểm tháng 7; Nam Bộ vào tháng 4-5, cao điểm tháng 4.
“Dòng chảy trên các sông khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Do vậy nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở Trung Bộ, Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại Nam Bộ”, ông Hoàng Phúc Lâm lưu ý.
Từ tháng 4-6, hạn hán xảy ra tại các tỉnh Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Tiền Giang. Từ tháng 5-8, hạn hán xảy ra tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Theo Trưởng phòng Dự báo thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng, từ nay đến hết mùa hạn mặn (hết tháng 5/2024), Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của 2 đợt xâm nhập mặn tăng cao (22-28/4, 7-11/5); trong đó, xâm nhập mặn trong những ngày tới (từ 11-20/4) ở mức cao vào đầu tuần.
Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 2.
Cùng với đó, triều cường ở vùng ven biển phía Đông của Nam Bộ diễn biến phức tạp sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông ở khu vực này và khả năng gây ngập các khu vực trũng thấp và vùng ngoài đê bao các tỉnh, thành phố từ Vũng Tàu trở vào đến Cà Mau.
* Chủ động các giải pháp ứng phó
Nhằm khắc phục tình trạng sụt lún đất do hạn hán, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã thông báo giảm tải trọng xe lưu thông trên tuyến đê biển Tây từ 8 tấn xuống 5 tấn. UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức cắm biển cảnh báo và thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh sạt lở, sụt lún ở những khu vực nguy hiểm.
Dự báo thời gian tới, tình trạng sụt lún đất vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau, gây nhiều ảnh hưởng, thiệt hại đối với các công trình giao thông, thủy lợi. Do đó, công tác khắc phục sụt lún, sạt lở được địa phương xem là nhiệm vụ cấp bách, có giải pháp xử lý trước mùa mưa bão năm nay. Đối với những vị trí sạt lở bình thường, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo gia cố bằng vật liệu tại chỗ như: cừ dừa, cừ tràm, cây gỗ địa phương... Tại những vị trí sụt lún, sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm cần sớm khắc phục bằng giải pháp xây dựng công trình cơ bản.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân chủ động sử dụng nước tiết kiệm; tổ chức huy động nhân dân nạo vét các ao, hồ tích nước nhằm dự trữ nước phục vụ sinh hoạt; sử dụng các vật dụng che âm, chống bay hơi mất nước cho cây trồng, khuyến cáo sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước hợp lý, tránh lãng phí.
Tỉnh hỗ trợ các xe bồn vận chuyển nước đến các điểm dân cư bị hạn hán, nơi không có nguồn nước, khoan giếng, đào giếng mới để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là các cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, thôn, ấp khó khăn; thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân thiếu nước sinh hoạt, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán theo quy định để chủ động mua nước sinh hoạt, mua các thùng trữ, hướng dẫn người dân đào giếng, khoan giếng.
Đối với công tác phòng, chống cháy rừng, UBND tỉnh An Giang có văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực trọng điểm cháy; trang bị 4 xe tải phục vụ chuyển quân phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Các lực lượng còn sử dụng một xe chuyên dùng cơ động của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc, 1 xe 15 chỗ của Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn quản lý, 59 xuồng và vỏ lãi. Các huyện trên địa bàn trang bị 126 máy chữa cháy chuyên dụng; 146 máy chữa cháy đeo vai và trên 7.500 các dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bàn cào, kẻng báo động…
UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động canh tác nương rẫy, xử lý thực bì trồng rừng và những hành vi sử dụng lửa khác tại các khu vực giáp rừng; nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và mọi hành vi đốt, xử lý thực bì, đốt nương rẫy không đúng quy định. Các đơn vị chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó, khống chế, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra...
Để triển khai kịp thời các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành, nhất là các địa phương khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.
Các bộ, ngành có liên quan và các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như dự báo sớm, đảm bảo độ tin cậy về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương và cơ quan có liên quan; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng linh hoạt nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, phát điện; hướng dẫn cho người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe; đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo quy định.../.